Gần 10 năm bà Hồ Thị Trang đi khiếu nại quyết định không khởi tố - Ảnh: TUYẾT MAI
Lợi dụng lúc này, người làm công trong nhà bà đã lăn tay ông Hữu, điểm chỉ vào các hợp đồng chuyển nhượng, thỏa thuận chia vườn cao su cho mình.
Sau khi phát hiện, bà Trang đã tố cáo nhiều nơi nhưng cơ quan chức năng cho là tranh chấp dân sự.
Mất năng lực hành vi dân sự vẫn lăn tay, điểm chỉ vào hợp đồng?
Năm 1996, Lâm trường Hiếu Liêm (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai) ký hợp đồng giao khoán 27,5ha đất tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) cho hộ ông Võ Hữu để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp với thời hạn 50 năm kể từ năm 1996.
Cũng trong năm này, Công ty Hải Sơn (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận) ký hợp đồng liên kết với ông Võ Hữu để trồng 50ha cao su ở xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Sau khi nhận giao khoán, gia đình ông Hữu thuê nhiều người phát cỏ và trồng cây, trong đó có ông Trần Văn Huệ là quản lý chung. Đến giữa năm 2002, ông Huệ nghỉ việc nên gia đình ông Hữu giao việc quản lý chung cho bà Hồ Thị Đô.
Theo hồ sơ bệnh án, năm 2007 ông Hữu bị tai biến mạch máu não lần đầu, biểu hiện bệnh sau tai biến là nói không rõ ràng, tay chân bị run.
Từ năm 2008 - 2009, ông Hữu bị giảm trí nhớ, quên tên người thân quen, dễ bị té ngã, bị rối loạn hoang tưởng. Từ năm 2009 - 2010, trí nhớ giảm sút nhiều, không cầm được bút, nói không được nhiều, sinh hoạt và vệ sinh cá nhân phải có người thân chăm sóc.
Từ năm 2011, ông Hữu không nhận biết và không nhớ được gì. Năm 2013 thì ông bị liệt hoàn toàn, nằm một chỗ, sống thực vật.
Năm 2014, Viện Pháp y tâm thần trung ương - phân viện phía Nam đã giám định và kết luận: từ ngày 19-12-2007, ông Hữu không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, không có khả năng phục hồi năng lực hành vi dân sự. TAND thị xã Long Khánh đã tuyên bố ông Hữu mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007.
Tuy nhiên, từ khi ông Hữu mất năng lực hành vi dân sự, ngày 27-10-2010 bà Hồ Thị Đô chở ông Hữu đến Văn phòng công chứng Hố Nai (tỉnh Đồng Nai) để lăn tay, điểm chỉ vào văn bản thỏa thuận chuyển nhượng 27,5ha đất trồng cây cao su tại xã Hiếu Liêm cho bà.
Cuối năm 2012, bà Đô tiếp tục chở ông Hữu đến UBND xã Suối Kiết để lập và lăn tay điểm chỉ hợp đồng thỏa thuận chia đôi vườn cao su cho bà Đô. Năm 2013, bà Trang phát hiện sự việc nên làm đơn tố cáo bà Đô lừa đảo. Đến năm 2016, ông Hữu mất.
Có dấu hiệu hình sự nhưng chuyển tòa dân sự?
Vụ việc được hai cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận thụ lý. Nhưng sau đó cả hai cơ quan này đều ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và cho rằng đây là tranh chấp dân sự.
Tuy nhiên, trong bản kết luận xác minh tố giác của bà Trang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận lại nêu: Việc bà Đô lợi dụng quyền được giao quản lý tài sản và tình trạng mất năng lực hành vi dân sự của ông Hữu để lập giấy ủy quyền, hợp đồng phân chia tài sản chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Hữu là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội phạm hoàn thành kể từ khi bà Đô nhận vườn theo biên bản xác định vị trí, ranh mốc vào ngày 11-5-2014 do UBND xã Suối Kiết lập.
Tuy kết luận là vậy nhưng không hiểu sao, trong cuộc họp liên ngành vào ngày 29-10-2015, các cơ quan tố tụng lại thống nhất chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh Bình Thuận để giải quyết theo luật dân sự. Nếu trong quá trình xét xử xác định có dấu hiệu hình sự thì tòa án chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan CSĐT khởi tố, điều tra làm rõ.
Về phía Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, năm 2015 cơ quan này ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng sau đó năm 2019 văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trưng cầu giám định tâm thần đối với ông Võ Hữu, kết quả vẫn khẳng định ông Hữu mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007, nhưng sau đó cơ quan này lại ra quyết định không khởi tố.
Bị kiện ngược
Tháng 3-2021, bà Đô kiện bà Trang ra TAND huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), yêu cầu tòa công nhận hợp đồng thỏa thuận về việc hợp tác trồng cao su giữa ông Hữu và bà Đô, buộc bà Trang chấm dứt hành vi cản trở, gây khó khăn cho bà trong việc quản lý, sử dụng, sở hữu số cây cao su trên diện tích 23ha tại xã Suối Kiết.
Bà Đô cho rằng bà hợp tác với ông Hữu trồng cao su, nhưng Tỉnh đội Bình Thuận cho biết nguyên tắc chỉ một người đứng tên ký hợp đồng liên kết với tỉnh đội nên năm 2012 bà và ông Hữu thống nhất đến UBND xã Suối Kiết để chia tách diện tích.
Bà Đô quản lý, thu mủ đến năm 2014 thì bị bà Trang tố cáo. Năm 2018, bà Đô thấy cao su không có lợi nhuận nên bán cây cao su trên đất để chuyển đổi trồng cây khác thì bị bà Trang ngăn cản.
Ngược lại, bà Trang không đồng ý với yêu cầu của bà Đô và phản tố yêu cầu tòa tuyên hợp đồng thỏa thuận hợp tác trồng cao su giữa ông Hữu và bà Đô là giao dịch dân sự vô hiệu, buộc bà Đô chấm dứt hành vi chiếm giữ, trả lại diện tích khoảng 22,5ha cao su đang thu hoạch tại xã Suối Kiết cho bà Trang.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Tánh Linh cho rằng hợp đồng thỏa thuận hợp tác trồng cao su giữa ông Hữu và bà Đô vô hiệu. Tòa căn cứ vào tài liệu đã thu thập được của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để kết luận bà Đô không có điều kiện và cũng không tham gia góp vốn với ông Hữu.
Từ đó, tòa tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đô, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Trang, tuyên bố hợp đồng thỏa thuận hợp tác trồng cao su giữa ông Hữu và bà Đô là giao dịch dân sự vô hiệu, buộc bà Đô chấm dứt hành vi chiếm giữ và trả lại cho bà Trang quyền sở hữu, quản lý, thu hoạch số cây cao su trên diện tích 22,5ha tại xã Suối Kiết.
Theo bà Hồ Thị Trang, bà Đô là người làm công trong gia đình bà và biết rõ ông Hữu đang phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần, thậm chí bà Đô còn nhiều lần đưa ông Hữu đi bệnh viện. Thời điểm ký thỏa thuận, tay phải ông Hữu không còn duỗi ra được nên phải điểm chỉ bằng tay trái.
Hơn nữa, bà Trang và ông Hữu là vợ chồng hợp pháp, tài sản tạo ra trong thời gian này là tài sản chung của vợ chồng bà, đất cũng giao khoán cho hộ gia đình, nhưng công chứng viên vẫn chứng nhận giao dịch là hành vi vi phạm pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận