Nhiều chủ tiệm kêu kinh doanh trên GrabFood, BeFood, Shopee Food... không còn dễ dàng vì tốn đến 10 - 20% doanh thu cho quảng cáo.
Không quảng cáo, khó nổ đơn
Anh Nguyễn Lâm, chủ quán chuyên về món lươn xứ Nghệ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết kinh doanh bán đồ ăn trên app không còn dễ như trước đây.
Số tiền anh chi quảng cáo trên app khoảng 500.000 - 3 triệu đồng/tháng để mua suất hiển thị vị trí quán ăn. Hiệu quả đem về lượng đơn tăng 10 - 20% so với việc không quảng cáo.
Thế nhưng, biến động giá mặt bằng, nhân sự, giá đầu vào nguyên liệu thức ăn nên chi phí ngày càng "phình to". Quảng cáo có đơn nhiều nhưng lợi nhuận không bao nhiêu, ngưng chi tiền chạy quảng cáo thì có ngày chỉ lèo tèo vài đơn.
Trước tình thế này buộc anh phải tính toán có tiếp tục chi tiền để quảng cáo, tránh trường hợp đơn nhiều mà vẫn không có lãi. Theo anh Lâm, mỗi đơn bán hàng trên app, giá thành chiếm 30%, chiết khấu với app, khuyến mãi từ 20 - 30%... khiến lợi nhuận ngày càng mỏng.
"Bán tô cháo và miến lươn giá 35.000 - 55.000 đồng, trừ hết chi phí thì quán thu về lãi rất ít, không đáng bao nhiêu cả" - anh Lâm nói.
Theo tìm hiểu, các app có nhiều hình thức quảng cáo tính phí với cửa hàng. Chẳng hạn, quảng cáo nhóm tìm kiếm món ăn. Quảng cáo này sẽ đưa gian hàng lên đầu khung kết quả tìm kiếm, tăng cơ hội để tiếp cận khách hàng.
Ví dụ, khi tìm kiếm từ khóa "cháo lươn", "bánh tráng trộn", "bún bò"... quán sẽ có cơ hội hiển thị lên đầu kết quả tìm kiếm so với cửa hàng cùng sản phẩm mà không quảng cáo. Chưa kể app tự động gợi ý những từ khóa tìm kiếm hiệu quả nhất cho đối tác để thu hút khách vào đặt đơn.
Anh T.Đ. - chủ hệ thống mì Quảng tại TP.HCM - cũng cho biết số đông cửa hàng, quán mới lên app nếu không có thao tác chạy quảng cáo, không mã giảm giá... sẽ khó ra đơn, bán ế, trừ trường hợp quán đã quá nổi tiếng. Chưa kể người bán cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngay trên app.
Vì vậy, anh phải dùng quảng cáo trên GrabFood, BeFood, Shopee Food... để nhận đơn hàng online, dù tốn 10 - 20% doanh thu. Nghĩa là doanh thu bán hàng mang về từ app trung bình 500.000 đồng/ngày, quán phải chi 50.000 - 100.000 đồng cho quảng cáo.
Theo anh T.Đ., ngày càng nhiều nhà hàng đưa lên app, tuy than khó khăn nhưng ít ai rời vì sợ hao hụt doanh thu.
Đong đếm kỹ chi phí bán hàng qua app
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các cửa hàng trên app công nghệ cho rằng vẫn có lượng khách đều đều nhưng không trông cậy quá nhiều từ nền tảng này để duy trì kinh doanh.
Một số cửa hàng kết hợp bán hàng tại quán và bán online, thậm chí xây dựng kênh truyền thông riêng để giảm bớt phụ thuộc vào app.
"Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh dài hơi, bởi tâm lý khách hàng thường thích được khuyến mãi và chờ khuyến mãi mới đặt đồ. Nếu không chạy ưu đãi thường xuyên hoặc ưu đãi của cửa hàng không đủ sức hấp dẫn, người bán sẽ không giữ được khách", một chủ quán nói.
Theo chị Nguyệt Minh (chủ quán bún bò ở một chung cư trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh), việc bán trực tiếp cho tệp khách hàng mục tiêu vẫn là con đường ổn định. Tuy vậy, vẫn chỉ có khoảng 50 - 60% doanh thu đến từ kênh trực tiếp, bán hàng trên ứng dụng vẫn là một kênh phụ thêm.
Về phía Grab, ứng dụng này cho rằng khi một nhà hàng, quán ăn lên GrabFood, nếu họ nhận thấy không thu hút được khách hàng, họ sẽ nhanh chóng rời đi. Thế nhưng, GrabFood vẫn ghi nhận danh mục đối tác nhà hàng không ngừng được mở rộng.
"Chúng tôi đầu tư vào công nghệ để giúp nhà hàng phát triển và thu hút nhiều khách hàng hơn" - ông Mã Tuấn Trọng, giám đốc thương mại Grab Việt Nam, chia sẻ mới đây.
Cũng theo ông Trọng, Grab sẽ tiếp tục liên kết, hỗ trợ cửa hàng vừa và nhỏ lên app và áp dụng tính tăng quản lý tiếp thị Grab Merchant.
Cửa hàng lên app có thể khởi tạo chiến dịch marketing trên nền tảng để thu hút khách. Khi có đơn hàng thành công mới tính chi phí marketing, trừ tiền của nhà hàng, quán ăn.
Số liệu của Grab trong quý 1-2024 cho thấy trung bình mỗi tháng có 70% nhà hàng sử dụng tính năng trên sau trải nghiệm tháng đầu tiên. Phía ứng dụng sẽ cập nhật xu hướng để cải thiện thực đơn hay có những điều chỉnh kinh doanh phù hợp.
"App đang gặt hái thành quả"
Ông Nguyễn Ngọc Luận - giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng chuyên xuất khẩu - cho biết các app đang gặt hái thành quả khi đổ rất nhiều tiền đầu tư. Từ chở khách, giao hàng và thức ăn app đều có cách để thu tiền từ khách hàng, quán ăn và cả tài xế.
Tỉ lệ quán mới ngày càng tăng và các nền tảng ngày càng cắt giảm phần tài trợ chi phí bán hàng. Chẳng hạn trước đây nếu nền tảng tài trợ 50%, đối tác kinh doanh 50% thì bây giờ nền tảng giảm phần hỗ trợ xuống chỉ còn 30 - 35%, đối tác bán hàng phải chi nhiều hơn.
Trong khi đó, nguyên liệu thì ngày càng tăng, chi phí bán hàng trên app cũng tăng nên các nhà hàng cần có chiến lược bán hàng rõ ràng, thấu hiểu khách hàng và phải kiểm soát chi phí tốt hơn.
Khách Việt đặt đồ ăn qua app 90 tỉ đồng/ngày
Theo báo cáo về thị trường giao đồ ăn 6 nước ASEAN của Momentum Works công bố vào đầu năm 2024, khách hàng Việt Nam đặt đồ ăn qua app Grab, Shopee Food trong năm ngoái với tổng giá trị lên đến 1,4 tỉ USD, tương đương 35.000 tỉ đồng, khoảng 90 tỉ đồng/ngày.
Hai ứng dụng Grab và Shopee Food đang thống lĩnh thị phần gọi đồ ăn giao tận nhà tại Việt Nam. Trong đó, Grab chiếm 47%, Shopee Food chiếm 45%... Giá trị đơn hàng đặt qua các ứng dụng tại Việt Nam năm ngoái tăng 30% so với năm trước đó.
Năm 2022, số tiền người Việt đặt đồ ăn trên các ứng dụng là 1,1 tỉ USD. Với đà tăng trưởng này, dự kiến quy mô của thị trường dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỉ USD đến năm 2025.
Các app nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của khách hàng đặt đồ ăn rất chi tiết để tạo ra chiến dịch thu hút khách. Chẳng hạn, Grab chỉ ra bữa trưa là thời điểm đặt đồ ăn phổ biến nhất, nhưng các đơn hàng bữa xế (15-16h) gồm đồ ăn nhẹ lại có giá trị đơn hàng cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận