Đó là lời hứa của ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, tại bế giảng chương trình Viettel Digital Talent vừa diễn ra.
Viettel Digital Talent được tập đoàn thực hiện với phương thức triển khai và kỳ vọng những lớp nhân sự tài năng sẽ cống hiến cho Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nâng cao chất lượng nhân sự từ tiếp cận sớm bài toán thực tế
Để cộng hưởng cùng các trường đại học trong công tác đào tạo, mở ra cơ hội để sinh viên tiếp cận sớm những bài toán của doanh nghiệp, của thị trường, ứng dụng kiến thức đã học, Viettel tổ chức chương trình Viettel Digital Talent.
Chương trình đã tổ chức được ba mùa. Mỗi năm, số lượng hồ sơ tham dự đều tăng lên. Ở mùa thứ ba này, Viettel nhận được 2.000 hồ sơ, tăng gấp hai lần so với mùa đầu tiên.
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ bản thân ông cũng như lãnh đạo Viettel đều trưởng thành từ các trường đại học trong nước. Ông trân trọng những đóng góp của nền giáo dục nước nhà đã mang đến cho Viettel những nhân tài qua nhiều thế hệ.
Ông Thắng nhấn mạnh Chính phủ hiện đang rất quan tâm và muốn thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung hay NVIDIA đã được mời sang Việt Nam đầu tư, và một trong những yêu cầu quan trọng nhất là con người.
Bởi vậy, mục tiêu của Viettel Digital Talent là giúp các học viên được tiếp cận sớm hơn, thực hành nhiều hơn, để có thể tiếp quản các công việc thực tiễn ngay khi ra trường.
Tham dự buổi lễ bế giảng chương trình, ông Huỳnh Đăng Chính, phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định: "Nhờ có Viettel, nhờ có nhu cầu của các doanh nghiệp Việt trong nước, với những bài toán rất cấp thiết, lực lượng trẻ của chúng ta, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường đã kết hợp được những kiến thức, mong muốn để giải quyết những bài toán rất hay và thú vị".
Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội tin tưởng rằng giá trị lớn nhất mà chương trình mang lại chính là năng lượng tinh thần, giúp các bạn sinh viên thấy được những kiến thức trong nhà trường sẽ được vận dụng ra sao, dưới sự hướng dẫn của các mentor trong, ngoài nước từ Viettel và mạng lưới đối tác Viettel ở các bài toán thực tế.
Bà Đặng Thị Oanh, cục phó Cục CNTT - Bộ Giáo dục & Đào tạo, đánh giá: "Viettel Digital Talent đưa ra những chủ đề là những bài toán rất lớn mà xã hội và thế giới đang bức xúc, cần giải quyết. Các em đã rất bản lĩnh, tự tin dám chiếm lĩnh, chinh phục những đỉnh cao tiếp theo".
Bổ sung kiến thức từ các chuyên gia
Nói về chất lượng thí sinh năm nay, ông Thắng đánh giá hơn 2.000 hồ sơ ứng tuyển vào chương trình đều là những sinh viên giỏi, xuất sắc, nắm vững kiến thức nền tảng được đào tạo tại các trường. Trong đó, 200 ứng viên được lựa chọn là những sinh viên phù hợp với các lĩnh vực, ngành nghề mà Viettel theo đuổi cũng như chỉ tiêu nằm trong kế hoạch.
Sáu tháng đào tạo cũng như kết quả của chương trình là minh chứng rõ nét nhất cho sự nghiêm túc và trưởng thành của các em. Kết thúc Viettel Digital Talent mùa ba, 71 ứng viên xuất sắc nhất đã được lựa chọn để ký hợp đồng làm việc chính thức, đồng hành cùng Viettel tham gia những dự án đóng góp tích cực cho Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh bài toán thực tế từ doanh nghiệp, chương trình đã mời những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của các trường đại học tham gia giảng dạy để củng cố kiến thức, bổ sung thêm những góc nhìn phản biện cho các ứng viên.
"Hiện nay, các trường đại học đã có nhiều sự cải tiến trong công tác giảng dạy, sát với thực tiễn thị trường lao động. Với Viettel Digital Talent, việc mời thêm một số giảng viên có nhiều đóng góp trong giới khoa học tại Việt Nam và trên thế giới cũng giúp lãnh đạo Viettel củng cố thêm các kiến thức mới, nắm bắt kịp thời các nghiên cứu khoa học để áp dụng vào thực tiễn" - ông Thắng đánh giá.
"Chúng tôi cũng rất muốn làm những điều này cho các bạn sinh viên, nhưng trong khuôn khổ nhà trường thì không thể làm được hết. Có một doanh nghiệp lớn nhất đất nước cùng đồng hành và tổ chức những sự kiện thế này rất quý. Tôi thực sự trân trọng sự hỗ trợ, và cả ý tưởng của chương trình này từ Viettel đối với các bạn sinh viên trên toàn quốc" - ông Đặng Hoài Bắc, giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, chia sẻ.
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Viettel cũng cho biết: "Viettel sẽ nuôi dưỡng chương trình này, với mong muốn gắn kết nhiều hơn nữa nhu cầu thực tiễn với chương trình giáo dục, giúp sinh viên tiếp cận nhanh hơn, sớm hơn, chuyên nghiệp hơn với công nghệ và xu thế thế giới. Nguồn nhân sự chất lượng cao cho đất nước không chỉ là trách nhiệm riêng của các cơ sở giáo dục, mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp".
Tại mùa ba, Viettel Digital Talent mở rộng khu vực đào tạo tại cả Hà Nội và TP.HCM trong sáu lĩnh vực Cloud, Cyber Security, Data Science & AI, IoT, 5G và Software & Data Engineering với sự tham gia của 192 sinh viên xuất sắc tuyển chọn từ gần 1.900 hồ sơ.
Đáng chú ý, năm nay Viettel cũng tiếp nhận thêm các ứng viên đang được đào tạo tại nước ngoài. Trong lần đầu mở rộng nhóm đối tượng, Viettel đã lựa chọn được gần 40 du học sinh đang học tập tại tám quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, 45% ứng viên tham dự chương trình năm nay là các sinh viên từng đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Những ứng viên hoàn thành tốt có cơ hội thực tế tại 9 cơ quan, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng của Tập đoàn Viettel trong giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn đầu, các thực tập sinh được tham gia huấn luyện, định hướng nghề nghiệp bởi những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước (Úc, Mỹ Singapore, Đức, Đài Loan…) đến từ các trường đại học và Tập đoàn công nghệ lớn (Viettel, Google, Shopee, University of Texas Austin...).
Những điều các thực tập sinh được học đều là kiến thức cao cấp dành cho nghiên cứu sinh ở các trường đại học lớn như Stanford, MIT. Gần như không có sự khác biệt lớn về trình độ đào tạo giữa các hãng công nghệ lớn và Viettel Digital Talent.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận