26/09/2021 10:58 GMT+7

Chủ tịch VCCI: Nếu giãn cách xã hội mãi các doanh nghiệp sẽ sụp đổ

BẢO NGỌC - NGỌC AN
BẢO NGỌC - NGỌC AN

TTO - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sáng 26-9, ông Phạm Tấn Công - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng nếu giãn cách xã hội mãi các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.

Chủ tịch VCCI: Nếu giãn cách xã hội mãi các doanh nghiệp sẽ sụp đổ - Ảnh 1.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP

Theo ông Phạm Tấn Công, tình hình đã thay đổi, Việt Nam cần có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.

Các doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với virus, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Về chiến lược ứng phó với COVID-19, ông Phạm Tấn Công đề xuất thay đổi theo hướng thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.

Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Từ cách tiếp cận này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề xuất hai chủ trương chống dịch mới.

1. Cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

2. Mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

Với quan điểm coi doanh nghiệp là một chủ thể trong cuộc chiến chống COVID-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, lãnh đạo VCCI đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 23-9-2021.

Đồng thời, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết.

"Nói ngắn gọn, vắc xin là chìa khóa, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin. Thứ hai sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này thì hậu quả là khó lường" - chủ tịch VCCI nhận định.

Bên cạnh đó cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

"Nguyện vọng chung các doanh nghiệp đều mong các giải pháp đề ra trong nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này" - chủ tịch VCCI cho biết thêm.

Báo cáo được lãnh đạo VCCI trình bày tại hội nghị cũng cho thấy tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải.

Cụ thể, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ". Hơn 50% doanh nghiệp ngành gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.

Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay, công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa.

Về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, giãn cách xã hội, ông Công nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. 

Trong đó, thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản, trung bình các doanh nghiệp có thể chịu đựng thêm 4,7 tháng, thông tin truyền thông khoảng 4,9 tháng và doanh nghiệp xây dựng khoảng 5,3 tháng.

Kiến nghị nâng gói hỗ trợ lên 250.000 tỉ đồng

Cần nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ, tính toán nâng quy mô gói hỗ trợ lên tới 250.000 tỉ đồng.

Theo ông Phạm Tấn Công, cần có các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi, nên VCCI kiến nghị gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ.

VCCI cũng đề nghị cần đổi tên "Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19" thành "Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế" để thực hiện song song hai nhiệm vụ trên.

Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống "Thẻ xanh Covid-19", thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp…

N.AN - N.HIỂN

Thủ tướng tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn Thủ tướng tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn

TTO - Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 26-9.

BẢO NGỌC - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên