Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra tuyến mương thoát nước A41 đường Cộng Hòa, P.4, Q.Tân Bình - Ảnh: TỰ TRUNG |
Sáng cùng ngày, Sở Giao thông vận tải TP cũng họp bàn với các đơn vị liên quan giải pháp chống ngập cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất tạm thời, còn giải pháp căn cơ vẫn phải chờ...
Ngập 1/10 sân đậu máy bay
Tại cuộc họp với Sở Giao thông vận tải TP, ông Đặng Tuấn Tú - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - thừa nhận tình trạng ngập tại sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra ở mùa mưa năm 2015 và những cơn mưa trong tháng 8, tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, ông Tú cho biết ngập chỉ xảy ra cục bộ với phạm vi khoảng 1/10 khu vực đậu máy bay. “Nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc không thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất là do mưa dông, gió giật mạnh, tầm nhìn bị hạn chế chứ không phải do ngập nước” - ông Tú nói thêm.
Về hệ thống thoát nước bên trong sân bay Tân Sơn Nhất, ông Tú cho biết được chia làm 3 lưu vực, tương ứng với 3 hướng thoát nước phía bắc, phía đông nam và phía nam. Trong đó, tình trạng ngập nước chủ yếu xảy ra ở hướng phía nam có diện tích 82ha là sân đậu máy bay. Lưu vực thoát nước này chảy ra kênh A41 hiện bị lấn chiếm, có đoạn kênh chỉ còn chiều rộng là 0,5m! Trong khi con kênh này ngày xưa rộng 8m, sâu 4m.
Về ý kiến cho rằng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cải tạo sân đậu, gia tăng diện tích bêtông góp phần gây ngập, ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam - cho rằng việc cải tạo nói trên không tăng diện tích bêtông. “Diện tích sân bay khoảng 650ha thì có đến 429ha là diện tích cỏ” - ông Mậu cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Công - giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, đoạn kênh A41 (bên ngoài sân bay) đã thay một số đoạn cống nhỏ băng ngang đường. Còn dự án căn cơ là mở rộng kênh do UBND Q.Tân Bình thực hiện. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết dự án mở rộng kênh A41 (lắp cống hộp và mở rộng mặt đường trên cống 20m) sẽ thực hiện trong giai đoạn từ 2017 - 2019.
Cần đánh giá hệ thống thoát nước bên trong sân bay
Để giải quyết tình hình ngập trước mắt, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã mời Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tư vấn việc xây hồ điều tiết giảm ngập khoảng 1,3ha nằm ở khu vực sân bóng đá Chảo Lửa. Tuy nhiên, do khu vực này đã có dự án xây dựng văn phòng nên dự án hồ điều tiết không triển khai được.
Ông Nguyễn Ngọc Công đề xuất sẽ nghiên cứu lắp đặt hệ thống bơm phía hạ lưu của tuyến kênh này để hút nước hỗ trợ khi có mưa lớn. Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng đề nghị cần có khảo sát đánh giá hệ thống thoát nước bên trong sân bay vì trước nay chưa có đánh giá đầy đủ về hiện trạng thoát nước này. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước bên trong sân bay có nhiều đơn vị quản lý, việc vào kiểm tra rất khó khăn.
Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - cho rằng cần ưu tiên các giải pháp thoát nước cho tuyến kênh A41 và đề nghị việc duy tu nạo vét toàn bộ tuyến kênh này nên tập trung giao cho một đầu mối là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị trung tâm chống ngập phối hợp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tính toán lại hệ thống thoát nước bên trong sân bay có đảm bảo khả năng thoát nước hay không, kết nối với hệ thống thoát nước bên ngoài tốt chưa để có giải pháp kết nối đồng bộ.
Liên quan đến vấn đề này, sau khi đi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đồng ý cho UBND Q.Tân Bình được tạm ứng kinh phí để triển khai dự án mở rộng kênh A41, đồng thời yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
Đối với một số trường hợp lấn chiếm ở kênh Đồng Tiến (Q.12), ông Phong đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP phối hợp Q.12 cho lập dự án ngay để giải quyết các trường hợp này.
Về tình trạng lấn chiếm rạch Cầu Suối (Q.12) dù đã có dự án từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân do chưa xác định được ranh quy hoạch. Ông Phong phê bình chuyện nhỏ như thế mà để kéo dài 3 năm và yêu cầu các đơn vị liên quan phải chấn chỉnh ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận