Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ phải qua) và các doanh nhân trẻ tại buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp do UBND TP.HCM tổ chức chiều 19-7 - Ảnh: Tự Trung |
“Lãnh đạo TP.HCM có niềm tin lớn vào thế hệ doanh nhân mới, kỳ vọng các cá nhân khởi nghiệp sẽ tạo ra thành quả to lớn hơn để xây dựng TP chúng ta thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á” |
Ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch UBND TP.HCM) |
Tại buổi gặp cộng đồng doanh nhân trẻ TP.HCM chiều 19-7, các đại biểu đã đặt ra với lãnh đạo TP.HCM những vấn đề như: giải pháp nào cho các ngành công nghiệp trọng yếu của TP, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kênh phân phối, xúc tiến thương mại...
Gỡ nút thắt cho khởi nghiệp
Khởi nghiệp làm nóng diễn đàn ngay khi bắt đầu buổi gặp. Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM Trương Lý Hoàng Phi nói không chỉ cải tiến thủ tục đăng ký kinh doanh mà cần có ban hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp.
Theo chị Phi, ban này sẽ tiếp xúc thường xuyên để kịp thời giải đáp các thắc mắc về thủ tục pháp lý, những vấn đề liên quan khác cho doanh nghiệp khởi nghiệp. “Chúng tôi cần một mặt bằng nhỏ làm không gian khởi nghiệp để những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp khi đến có thể tìm được những thứ cần thiết” - chị Phi kiến nghị.
Chị Trương Lý Hoàng Phi - tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp chiều 19-7 - Ảnh: Tự Trung |
Tăng thông tin khởi nghiệp trên báo Tuổi Trẻ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Thành đoàn làm việc với báo Tuổi Trẻ đẩy thông tin về hoạt động khởi nghiệp thường xuyên và nhiều hơn lên mặt báo. Cùng nhiệm vụ này, Sở Công thương cũng làm việc với Thời báo kinh tế Sài Gòn để sao cho có thể thông tin kịp thời và hỗ trợ nhiều nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. |
Anh Nguyễn Khoa Tuấn Anh - một cá nhân khởi nghiệp với dự án xếp hàng khám bệnh thông minh - cho rằng ý tưởng mới cũng cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ khác mới có thể khởi nghiệp và mong được hỗ trợ thủ tục pháp lý, mặt bằng bước đầu cho các dự án khởi nghiệp.
“TP có thể đầu tư trung tâm xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích các dự án khởi nghiệp vì cộng đồng” - anh Tuấn Anh bày tỏ.
Nghe vậy, ông Nguyễn Thành Phong nói đề xuất khiêm tốn quá, sao không là một tòa nhà! Ông Phong nói tiếp: “Lãnh đạo TP đã giao Sở Công thương thành lập một trung tâm đáp ứng các nhu cầu về khởi nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ để cộng đồng khởi nghiệp hoạt động, phát triển thành những doanh nghiệp cho TP trong tương lai”.
Doanh nhân Trần Bằng Việt cho rằng cần ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp khi đã có dịch vụ, sản phẩm cụ thể, tạo ra giá trị cụ thể, phải có tính mới, phù hợp và khả thi với nhu cầu thị trường chứ không phải cái nào cũng hỗ trợ.
“Không hỗ trợ như nhau, phải ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra giá trị hơn là dịch chuyển giá trị và hỗ trợ kịp thời, không quá nhiều có khi lại thành không tốt cho doanh nghiệp khởi nghiệp” - ông Việt phân tích.
Coi trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Dương Công Đức (Vietphone M&E) nói đang có tâm lý coi nhẹ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí các doanh nghiệp có doanh thu vài chục tỉ đồng mỗi năm như bị đứng ngoài lề và thường chỉ khi nào nghe các doanh nghiệp này kêu khó mới được chú ý.
Doanh nhân Hồ Quang Minh phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp chiều 19-7 - Ảnh: Tự Trung |
“Chúng ta cần coi trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ vì hiện nay các doanh nghiệp này đang chiếm phần nhiều và chính sách cho họ nên xây dựng ở tầm quốc gia. TP có thể lập khu công nghiệp, có giải thưởng tôn vinh riêng cho những doanh nghiệp này” - ông Đức nói.
Tiếp cận hướng khác, doanh nhân Hồ Quang Minh nói việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài còn rất chậm. Ông nói công ty mình xin thủ tục đầu tư qua Singapore mà 90 ngày rồi chưa được cấp phép. Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Trần Thị Bình Minh cho biết thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch - đầu tư nên khó can thiệp.
Nghe vậy, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm ngắt lời, nói biết là thuộc thẩm quyền bộ nhưng với vị trí cơ quan tham mưu, sở thấy có thể hỗ trợ được gì để tháo gỡ, giúp doanh nghiệp thuận lợi nhất cần tham mưu ngay cho lãnh đạo TP chứ không chỉ nói vậy.
“Tôi biết Singapore người ta chỉ cần có ba ngày cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và các chính sách hỗ trợ khác, mình nên nghiên cứu thêm” - ông Liêm phát biểu.
Các đại biểu trẻ tại buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp do UBND TP.HCM tổ chức chiều 19-7 - Ảnh: Tự Trung |
Ông Nguyễn Thành Phong thống nhất 5 kiến nghị của Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và khẳng định lãnh đạo TP xác định không chỉ đồng hành mà phải tạo mọi điều kiện tốt nhất, môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp làm ăn.
“Mỗi doanh nhân cũng cần năng động, sáng tạo hơn mới có thể đạt con số 500.000 doanh nghiệp thời gian tới. Đó không là mục tiêu viển vông vì TP đã xác định lộ trình và mỗi doanh nghiệp hãy chung sức với lãnh đạo TP thực hiện điều này” - ông Phong nói.
5 kiến nghị của Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - Hội tham gia chương trình “Sáng tạo khởi nghiệp” kêu gọi vốn đầu tư cho 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, 1.000 dự án khởi nghiệp và đồng hành với 300 doanh nghiệp khởi nghiệp. - Hội làm đầu mối chính các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. - Hội cùng Hội LHTN VN TP.HCM xây dựng cổng thông tin chính thức về khởi nghiệp. - Phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. - Tổ chức hội chợ chuyên ngành về kinh tế sáng tạo hằng năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận