Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - thay mặt chủ tịch UBND TP.HCM trao thư khen cho nhóm phóng viên thực hiện tuyến bài về vấn nạn vẽ bậy ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau loạt bài điều tra về nạn vẽ bậy tại TP, chiều 6-9, chủ tịch UBND TP.HCM đã có thư khen thưởng đột xuất đến đội ngũ phóng viên thực hiện tuyến bài.
Chiều 6-9, báo Tuổi Trẻ đã nhận được thư khen đột xuất của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sau loạt bài viết về vấn nạn vẽ bậy đăng tải các ngày 5 và 6-9.
Trong thư, ông Phan Văn Mãi nhận định nhóm phóng viên ban chính trị - xã hội của báo Tuổi Trẻ với sự quyết tâm đeo bám đối tượng, tiếp cận hiện trường, thu thập chứng cứ nhằm phản ánh vấn nạn vẽ bậy khắp các tuyến phố, nhất là các công trình manh tính biểu tượng của TP. Tuyến bài đã góp phần ngăn chặn vấn nạn vẽ bậy, giúp cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, góp phần tạo mỹ quan cho TP.HCM.
Ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - đọc thư khen đột xuất của chủ tịch UBND TP.HCM dành cho nhóm phóng viên - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng TP nghiên cứu, tiếp thu các vấn đề mà báo đặt ra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật gây mất mỹ quan đô thị.
Chủ tịch UBND TP.HCM mong rằng, trong thời gian tới các phóng viên của báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh của người làm báo chí cách mạng, góp sức đắc lực vào công tác quản lý và kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội.
"Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình", chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết tuyến bài đã cho thấy bức tranh toàn diện hơn về các nguyên nhân của vấn nạn vẽ bậy, từ đó đề xuất được các giải pháp nhằm ngăn chặn vẽ bậy.
"Sau khi đọc hết tuyến bài, tôi có cảm nhận về đội ngũ báo Tuổi Trẻ rất tâm huyết, trăn trở vì sự phát triển của TP. Các phóng viên cũng rất trẻ, năng động và trách nhiệm trong việc đồng hành cùng TP để đưa ra cách giải quyết vấn nạn" - ông Thắng nói và mong muốn các phóng viên tiếp tục phát triển vấn đề, đồng thời có các giải pháp cùng với TP giải quyết vấn nạn nêu trên, tiếp tục phát triển các vấn đề dân sinh, sát sườn tiếp theo, là cầu kết nối giữa chính quyền và người dân của TP.
Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - thay mặt chủ tịch UBND TP.HCM đến trao thư khen cho nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại buổi khen thưởng, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết khen thưởng đột xuất của chủ tịch UBND TP.HCM chính là sự động viên nhanh chóng và kịp thời cho đội ngũ phóng viên.
Dẫn câu chuyện khi bài báo đầu tiên vừa đăng vào sáng 6-9, ông Chữ nói Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhắn tin khen các anh chị phóng viên về tuyến bài lên án nạn vẽ bậy, đồng thời khuyến khích viết thêm về tình trạng vệ sinh kênh rạch, tình trạng xả rác, câu cá ở trong TP.
Về vấn nạn vẽ bậy, ông Chữ cho biết các số báo tiếp theo báo cũng sẽ tiếp tục tập trung vào các hướng giải pháp.
"Việc khen thưởng lần này là một sự động viên khích lệ để các phóng viên cố gắng hơn nữa, là động lực để các bạn triển khai nhiều đề tài hơn nữa trong tương lai. Đặc biệt là các anh chị phóng viên ban chính trị - xã hội luôn xung phong, nhiệt huyết trong bất cứ công việc được giao", ông Chữ nói.
Nỗ lực đi tìm câu trả lời
Đại diện nhóm thực hiện tuyến bài vẽ bậy, phóng viên Hoàng Lộc chia sẻ: từ tháng 6-2022 nạn vẽ bậy được phát hiện trên tuyến tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), sau đó đến biểu tượng mới của TP là cầu Thủ Thiêm 2.
Và câu hỏi được đặt ra "Ai là người đứng sau, ai là người vẽ lên những bức vẽ nguệch ngoạc mất cảnh quan như vậy?". "Từ trăn trở đó với mong muốn chung tay xây dựng TP văn minh hiện đại, chúng tôi có nhiều đêm thức trắng quyết tâm điều tra làm sáng tỏ vấn đề", phóng viên Hoàng Lộc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận