Sáng 27-7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tham dự.
"Mẹ ơi ngày mai con đi bộ đội"
Đó là thông báo của “chiến sĩ” Nguyễn Thành Ngưỡng năm 16 tuổi nói với mẹ mình chỉ trước một đêm ngày lên đường đi bộ đội. Để rồi trải qua mấy mươi năm chiến đấu gian khổ, đổ bao xương máu, cậu “chiến sĩ” ấy giờ đây là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Ngưỡng, thương binh 2/4, ngồi hồi tưởng lại biết bao kỷ niệm.
Ông Ngưỡng quê ở Nghệ An, thời là học trò cấp 3, biết bao bạn bè đồng trang lứa chọn con đường học tập, nhưng ông quyết gác lại bởi tiếng gọi của Tổ quốc. Ông chọn trở thành chiến sĩ tham gia vào chiến trường miền Nam.
Quyết định của cậu học trò ấy chỉ được nói ra với mẹ một ngày trước khi nhập ngũ và mãi tận về sau ông vẫn tự hào về lựa chọn của mình.
Thế hệ trẻ TP.HCM không ít người biết đến chú Nguyễn Thành Ngưỡng qua những buổi “truyền lửa” thân tình. “Tôi muốn truyền cho thế hệ trẻ tình yêu nước, phải biết đến công lao của cha ông. Hòa bình độc lập tự do của chúng ta hôm nay đã được đánh đổi bằng xương máu của những người đi trước”, ông Ngưỡng nói.
Còn trong ký ức của ông Dương Đình Tấu, thương binh hạng 2/4, bệnh binh hạng 2/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, là một phần xương máu ở lại nơi chiến trường.
8 lần bị thương, 6 lần lên bàn mổ và tại chiến trường Campuchia, người thương binh lại tiếp tục mất đi một phần chân.
“Là thương binh 61%, tôi từng nghĩ không biết rồi mình sẽ làm gì để sống. Nhưng nhớ lại lời Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, tôi tiếp tục chọn cắp sách đến trường, lấy tấm bằng đại học, lấy nghề về để làm việc nuôi con”, ông Tấu nói.
“Làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ, làm nhanh bao nhiêu cũng chưa kịp”
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng… Đây là những tấm gương để thế hệ sau có thể lắng nghe, được trao truyền và tiếp bước.
Có thể nói TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo công tác thực hiện chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa. Công tác này được các tổ chức, cá nhân tham gia và đặc biệt có cả những người được hưởng chính sách. Một tinh thần đồng chí, đồng đội tương thân tương ái, là một điểm rất nhân văn.
TP cũng ý thức được trong công tác chính sách, làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ, làm nhanh bao nhiêu cũng chưa kịp. Do vậy các cấp ủy, chính quyền cần nỗ lực nhiều hơn, làm nhiều và nhanh hơn.
Lãnh đạo TP đề nghị, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam sắp tới, từng cá nhân, tổ chức làm công tác đền ơn đáp nghĩa cần kiểm điểm lại TP tới thời điểm này, còn trường hợp nào đáng được hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng, còn trường hợp gia đình chính sách nào còn khó khăn về chỗ ở, về chăm sóc sức khỏe, về phương tiện sống cần thiết… để tập trung.
Bởi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước phải thực hiện bằng việc làm cụ thể ở từng địa phương, cơ sở. Không chỉ bằng sự giúp đỡ về vật chất, mà còn là sự động viên, chia sẻ về mặt tinh thần.
“TP.HCM luôn trân trọng, cảm ơn những nỗ lực vượt lên khó khăn, những tấm gương của các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là sự tương thân tương ái của các gia đình. Kính mong các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống, là tấm gương sáng cho xã hội; lưu tâm góp ý về công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác xây dựng và phát triển TP”, ông Mãi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận