Trò chuyện với phóng viên, ông Mãi cho hay ông có niềm tin mạnh mẽ vào sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP vốn đã kết tinh và được kiểm chứng trong thực tiễn nhiều năm qua.
* Có thể gọi năm 2022 là năm phục hồi ngoạn mục của TP.HCM. Đằng sau những con số "lấy lại những gì đã mất" chắc chắn là những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và nhân dân TP?
- Đó là tâm thế đoàn kết một lòng, nỗ lực mỗi ngày của hệ thống chính trị TP để cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua từng giai đoạn, hoàn thành từng đầu việc, nghiệm thu trên mỗi kết quả phục vụ, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Năm 2022 và nhiều năm sau nữa, lịch sử TP sẽ còn ghi lại sự mất mát và đau thương của năm 2021 khi có hơn 20.000 đồng bào đã ra đi vì dịch COVID-19.
Đại dịch cũng là phép thử đầy khắc nghiệt cho nội lực và bản lĩnh của TP khi một mặt giúp chúng ta nhận diện mình, cả những điểm mạnh lẫn yếu, mà một trong những điểm mạnh là nhanh chóng có giải pháp để khắc chế các điểm yếu, vượt qua lằn ranh tử - sinh ngay trong cơn nguy kịch.
Mặt khác, tìm cách kích hoạt nguồn "kháng thể tự thân" trong mỗi người dân TP, trong cộng đồng doanh nghiệp và trong trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, để ngay khi mở cửa trở lại, TP đã sớm bắt nhịp và phục hồi mạnh mẽ.
Đằng sau những con số "lấy lại những gì đã mất" chính là sự chủ động hình thành các chiến lược "từ xa, từ sớm"; sự năng động và tinh thần "tự cứu" của doanh nghiệp và người dân; sự hỗ trợ và đồng hành của chính quyền trung ương, sự phục hồi nhanh của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và bối cảnh của khu vực, quốc tế dù tổng thể có nhiều khó khăn nhưng cũng có thuận lợi riêng cho Việt Nam.
Đơn cử là dòng kiều hối đổ về TP tiếp tục tăng so với năm trước, bởi lòng tin vào sự ổn định của các chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, của thị trường đang có tính dịch chuyển - điều tiết tích cực (nên dòng tiền phân tán cho các khu vực đầu tư, sản xuất, mua sắm chứ không đổ dồn vào đầu cơ bất động sản như giai đoạn 2007 - 2008), của tập quán gửi tiền về giúp đỡ người thân, hỗ trợ an sinh cộng đồng.
* Những điểm yếu được nhận định và sớm có giải pháp khắc chế như thế nào? Điều đó có tiếp sức cho nền kinh tế của TP và cả nước trong năm 2023?
- Có thể lấy ví dụ về việc nhận diện hệ thống y tế cơ sở, y tế điều trị với nhân lực, vật lực quá tải, chưa được đầu tư tương xứng. Ngay lập tức, TP.HCM đã xin cơ chế thí điểm đưa y bác sĩ trẻ về tuyến cơ sở, tăng thu nhập ở các bộ phận trực tiếp thăm khám sức khỏe cộng đồng để tiếp tục kiểm soát bệnh dịch.
Hay như đúc kết của Bí thư Thành ủy về nhận diện đội ngũ cán bộ qua công tác phòng chống dịch, có nhiều tấm gương phục vụ, cống hiến hết sức cao đẹp nhưng cũng bộc lộ hạn chế, khuyết điểm của một số cá nhân, đơn vị.
Từ đó, bộ tiêu chí về đánh giá cán bộ (diện Thành ủy quản lý) được điều chỉnh và nâng chất, hoặc kết quả cụ thể trong chương trình hành động của mỗi cán bộ lãnh đạo được xem là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Hơn ai hết, trong nội bộ, phải nhìn cho ra, nói cho rõ những khuyết điểm và ra giải pháp cụ thể để khắc phục với mục tiêu cuối cùng là để công việc thông suốt hơn, hiệu quả phục vụ người dân cao hơn.
Chấm điểm cán bộ chính là nhân dân, phiếu tín nhiệm cao hay thấp là ở sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Một khi có được tinh thần "vì dân phục vụ" ấy, chúng ta sẽ tích tụ nội lực đủ mạnh để chủ động tiếp nhận và vượt qua "mùa đông kinh tế" 2023.
Với tinh thần tự lực tự cường, cái TP.HCM cần nhất lúc này, như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chỉ ra, đó chính là được tháo gỡ trên ba lĩnh vực "thể chế - hạ tầng - nhân lực".
Vì vậy, năm 2023, với nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết 54 sẽ xác định cơ chế nào phù hợp với yêu cầu phát triển của một siêu đô thị như TP.HCM, cơ chế nào để TP có thể vươn lên với sức bật mới, sức đột phá mới.
Từ đó tạo tiền đề để TP tiến về phía trước, để chủ động, không nửa vời và đóng góp nhiều hơn cho cả nước, tương xứng với tiềm lực vốn có.
Với kịch bản tăng trưởng GRDP là 7,5 - 8%, phấn đấu tỉ lệ huy động đầu tư xã hội đạt 35%, đầu tư công đạt trên 90%, tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, như hoàn thành tuyến metro số 1, khởi công đường vành đai 3, thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...
TP cũng sẽ tập trung vào đảm bảo an ninh và an sinh xã hội qua việc chăm lo cho công nhân, người lao động, người già, các gia đình chính sách, các nhóm đối tượng bị tổn thương do đại dịch COVID-19 hay do bị cắt giảm việc làm, ảnh hưởng bởi kinh tế trong thời gian vừa qua.
* Năm mới sắp bắt đầu, ông kỳ vọng gì về sức sống mới, sức phát triển mạnh mẽ của đất nước và TP?
- Trước thềm năm mới, tôi luôn có một thói quen "ngoảnh lại". Với những gì đã trải qua trong đại dịch, tôi vẫn gửi lại năm cũ nỗi ngậm ngùi, đau xót vì những mất mát nặng nề. Từ đó, tâm nguyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bù đắp, để không phụ lòng nhân dân, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo TP.
Chia tay năm 2022, TP chào đón năm 2023 bằng lễ khởi công dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như một khởi đầu đầy mạnh mẽ, một cam kết hành động "dứt khoát đúng tiến độ, không đội vốn" của người đứng đầu Chính phủ, cũng là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.
Dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất lên đến 50 triệu khách/năm (so với 28 triệu khách/năm hiện nay), cũng là chỉ dấu cho sự "cất cánh" của nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đi ngang qua TP.
Các dự án hạ tầng vừa khơi thông - khai phóng nội lực TP vừa liên thông - phát triển sức mạnh nội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sắp tới đây tháng 6-2023 dự án đường vành đai 3 - một dự án liên vùng khác - sẽ khởi công, tôi nghĩ đến sức phát triển trên những cung đường của TP và toàn khu vực; nó kết nối, liên hoàn và cùng phát triển lẫn nhau như chính tình cảm, sức mạnh đoàn kết của người dân với chính quyền, của TP với các tỉnh bạn; sẽ làm nên sức sống, vị thế mới từ năm 2023.
* Xin cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận