Toàn cảnh cuộc họp sáng 21-5 - Ảnh: TTBC
Ngày 21-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Với các ca bệnh xuất phát từ các quán ăn gia đình (vừa và nhỏ) được phát hiện, ông Phong đặt vấn đề có nên đóng cửa tất cả các quán kinh doanh vừa và nhỏ hay không?
Sau góp ý của đại diện các quận huyện và TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong kết luận, đối với quán ăn nhỏ ven đường, UBND TP.HCM cho bán mang về, hoặc bán online, không cho bán tập trung.
Người mang hàng về nhà phải mang khẩu trang. Và nếu vi phạm thì áp dụng phạt nguội thông qua hệ thống camera, các biện pháp, thiết bị khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Còn với các nhà hàng ăn uống có trên 10 lao động, ông đề nghị không tập trung quá 20 người, khi hoạt động phải thực hiện giãn cách. Nhà hàng, khách sạn cũng tương tự, không được tập trung quá 20 người.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thời điểm áp dụng từ 18h ngày 21-5.
Trước đó UBND TP.HCM quy định tùy sự kiện, tùy điều kiện mà quyết định số người tham gia các sự kiện, hội họp. Tuy nhiên trong bối cảnh này, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sự kiện hội họp, các sự kiện lễ hội tôn giáo không tập trung quá 30 người; ở nơi công cộng, phạm vi trường học, bệnh viện, công sở không tập trung quá 20 người, phải thực hiện giãn cách.
Ông Nguyễn Thành Phong tái khẳng định TP.HCM đang xuất hiện 3 chuỗi lây bệnh ở Công ty Q.3; quán ăn Q.3 và tiệm cơm ở Q.Gò Vấp. Trong đó đáng lo ngại bệnh nhân ở Thủ Đức nhiễm virus biến chủng ở Ấn Độ, rất nguy hiểm được WHO cảnh báo.
"Lần họp này có diễn biến phức tạp hơn các lần họp khác. Thực tế trong vòng 1 hôm diễn biến đã phức tạp như thế, lấy mẫu xét nghiệm trên 10.000 mẫu và truy ra được F0. Tinh thần làm việc như thế là quá đáng khen và đề nghị khen HCDC ngay để động viên anh em", ông Phong nói.
Theo ông Phong, tính đến nay, 30 tỉnh thành có dịch. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nhận trên 100 ca mỗi ngày (tăng 3 con số). Trong đó tiêu điểm vẫn là các khu công nghiệp với gần 1.000 ca mắc. "Trong các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có đến 52,5% các ca xuất phát từ khu công nghiệp", ông Phong cảnh báo.
Ông Phong nói, TP.HCM nhìn chung đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nên các ngành phải bình tĩnh, tập trung cao độ, từng ngày, từng giờ, từng phút, nếu chủ quan, hậu quả rất nặng nề.
Vói các ca lây nhiễm, ông Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức phải xác định công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm số 1, cấp bách, khẩn cấp nhất hiện nay. "Mọi người phải hành động vì sức khỏe của người dân TP. Đó là mệnh lệnh", ông Phong đề nghị, và cho biết muốn đạt việc này cần phải kiểm soát các nhóm nguy cơ; cán bộ công chức, viên chức gương mẫu đi đầu vận động người thân trong gia đình phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - cho biết liên quan đến trường hợp nghi nhiễm ở P.8 trước đó được xét nghiệm 2 lần ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có kết quả dương tính, hiện đã cách ly vợ và con rể tại bệnh viện, phong tỏa hẻm với số người là 332 (42 hộ). Đã lấy 17 mẫu đơn tiếp xúc gần, 15 mẫu đơn xa và 264 người liên quan. Bước đầu kết quả xét nghiệm các ca F1 đều âm tính.
Với quan điểm đóng cửa các tiệm ăn vừa và nhỏ, ông Dũng nói hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
"Với 496 tổ truy vết COVID-19 cộng đồng, tối hôm qua, chúng tôi tổ chức đi từng nhà tìm người về từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng suốt đêm. Nhưng thời gian bầu cử đến gần thì làm không xuể". Đại diện Q.6 chia sẻ nên tạm ngưng hoạt động của các quán ăn vừa và nhỏ để đảm bảo an toàn.
Trước vấn đề được đánh giá là "nhạy cảm", đại diện UBND Q.11 nói rằng việc tạm ngưng hoạt động của các quán ăn vừa và nhỏ cần phải cân nhắc, bởi liên quan đến mưu sinh của bà con. Ông nói: "Tôi đề xuất nên chuyển hướng cho các quán ăn hoạt động, nhưng chuyển sang hình thức đóng gói mang về".
Đại diện Q.Bình Thạnh cho biết: "Nếu đóng cửa, nhân viên sẽ về địa phương, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác bầu cử. Do đó tôi đề xuất nên để hoạt động nhưng chọn hình thức mang về".
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận các ý kiến đánh giá của các địa phương. Ông khẳng định trong bối cảnh tình hình dịch bệnh và công tác bầu cử sắp tới, để đảm bảo an toàn chung phải chấp nhận hi sinh, chứ không thể cầu toàn được.
"Trong điều kiện này phải chọn một phương án tối ưu nhất. Vừa rồi báo Tuổi Trẻ có đăng các hình ảnh về hoạt động của các quán dọc kênh Nhiêu Lộc rất đông, nguy cơ rất cao. Việc tạm dừng bán tập trung, nhân viên sẽ giảm sút, ngoài mong muốn của chúng ta nhưng vì sức khỏe cộng đồng chúng ta phải chấp nhận" - ông Phong đánh giá.
Dập tắt ngay tin giả
Về công tác phòng chống dịch tại các điểm bầu cử, ông Phong đề nghị Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức và giám đốc Sở Y tế TP.HCM nghiêm túc rà soát, kiểm tra đầy đủ.
Ông Phong nhắc nhở Sở TT&TT "phản ứng hơi chậm" trước thông tin giả vào 22h ngày 18-5, qua đó đề nghị các đơn vị tổ chức tuyên truyền vận động người dân nhận diện thông tin giả. "Đề nghị Công an TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT vào cuộc xác minh, truy nguồn tin giả từ đâu để có hướng xử lý dập tắt, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử sắp tới", ông Phong đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận