Ông đã áp dụng chính sách “bàn tay thép” diệt “cả hổ và ruồi” trong tham nhũng, thẳng tay trừng trị tham nhũng từ cấp trung ương đến địa phương.
“Đả hổ” mọi lĩnh vực
Mới nhất là thông tin từ Tân Hoa xã đưa ngày hôm qua cho biết nguyên chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, ông Lý Sùng Hi (Li Chongxi), đã bị kết án 12 năm tù vì tội nhận hối lộ khoảng 11,1 triệu nhân dân tệ (1,75 triệu USD).
Theo phán quyết của Tòa án Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây, toàn bộ tài sản cá nhân trị giá 1 triệu nhân dân tệ (158.000 USD) của ông Lý Sùng Hi sẽ bị tịch thu.
Ông Lý được cho là một đàn em thân tín của Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, từng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc, cho đến khi rơi đài năm 2013. Hồi tháng 6 năm nay, Chu Vĩnh Khang bị kết án chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và “cố tình làm lộ bí mật nhà nước”.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố tham nhũng chính là vấn đề nghiêm trọng nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập từng cảnh cáo không có nhân vật nào bất khả xâm phạm, không một lĩnh vực nào bị cấm, dù là lãnh đạo tối cao, trước cuộc chiến chống tham nhũng này.
Khi chính thức nắm quyền điều hành đất nước, ông Tập quyết liệt hiện thực hóa chiến dịch chống tham nhũng “diệt cả hổ lẫn ruồi”. Mở màn cho công cuộc này là vụ điều tra bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai vào năm 2012.
Cùng năm, ông Tập ra lệnh chuẩn bị mọi thứ để tấn công vào khu vực xưa nay được cho là bất khả xâm phạm: quân đội. Những vụ tham nhũng hàng triệu USD bị phanh phui cùng với việc nhiều tướng lĩnh bị bắt giữ.
Đến năm 2015, Tân Hoa xã cho biết ông Tập lại gây tiếng vang trong công cuộc chống tham nhũng khi đưa một cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc khác là Quách Bá Hùng ra trước pháp luật với tội tham nhũng.
Việc lần đầu tiên công bố danh sách 16 tướng lĩnh quân đội bị điều tra cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng trong năm 2015.
Lấy tiền tham nhũng lo cho dân
Ông Tập còn chủ trương lấy của tham nhũng để lo cho dân, đặc biệt là lực lượng hưu trí ở Trung Quốc. Một quan chức quân đội cho biết hiện nay ông Tập đang có chính sách trích một phần tài sản thu được từ các vụ tham nhũng để bù vào khoản tăng tiền trợ cấp cho những người hưu trí Trung Quốc.
Giáo sư Đại học Phục Đán, ông Kim Xán Vinh nói rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình trong ba năm qua về cơ bản đang bước vào giai đoạn cuối của việc “diệt hổ” và thu được những “thắng lợi lớn” khi đã đấm bàn tay thép vào giới lãnh đạo cấp cao biến chất, từ các khu vực quân đội, kinh tế, truyền thông đến công an.
Tuy vậy, tờ Nhật Báo Đông Phương nhận định chính trường Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn những cơn sóng ngầm khi công cuộc chống tham nhũng này chưa kết thúc.
“Chúng ta phải chờ vài năm nữa mới có thể đánh giá hết việc ông ấy làm có thành công hay không. Có thể là 5 năm hay 10 năm nữa” - một quan chức quân đội về hưu họ Vương ở Bắc Kinh nhận xét.
Quan chức này nhận định, trên thực tế nếu nhìn vào ai cũng sẽ thấy cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình rất quy mô, rầm rộ và đang đem lại hiệu quả. Nhưng nếu tìm hiểu thật kỹ thì ông Tập đang chống tham nhũng theo kiểu “trị ngọn”.
Tờ Nhật Báo Đông Phương cũng cho rằng trong chiến lược của mình, chủ tịch Trung Quốc rất ít thể hiện động thái cho thấy ông đang tạo ra bộ máy chống tham nhũng từ gốc.
“Nếu sắp tới không thể hiện được ý định triệt tham nhũng từ gốc thì cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay của ông Tập sẽ hoàn toàn biến thành cuộc đấu tranh quyền lực mang tính chất nhân trị. Các thế lực của những người bị tiêu diệt trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có khả năng sẽ manh nha trả đũa và chắc chắn sẽ rất mạnh” - tờ báo bình luận.
Các chuyến thăm Việt Nam trước đây Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ tháng 3-2008, ông Tập Cận Bình, khi đó là phó chủ tịch nước Trung Quốc, đã nhiều lần tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam, như các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh... Từ ngày 20 đến 22-12-2011, Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức Việt Nam, hội đàm và hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam; phát biểu tại Lễ gặp mặt hữu nghị thanh niên hai nước Việt - Trung lần thứ 12. Trong những năm gần đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam. Cụ thể là: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2015); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 6-2013, tháng 11-2014, tháng 9-2015); Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (tháng 8-2014)... Ngoài ra, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã ba lần điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3-2013, tháng 1-2014, tháng 2-2015). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận