Ông Tập phát biểu sai trái tại Singapore khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Reuters |
Hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Manila từ ngày 17 đến 19-11. Trong những ngày qua, căng thẳng trên Biển Đông liên tục leo thang do các chính sách khiêu khích của Trung Quốc. Mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không có kế hoạch thảo luận vấn đề Biển Đông ở APEC.
Tuy nhiên quan chức các nước và giới chuyên gia quốc tế đánh giá Biển Đông sẽ là một vấn đề nóng ở APEC sau hàng loạt động thái gây hấn của Trung Quốc thời gian qua. Tuần trước, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng đã không thể ra tuyên bố chung do Bắc Kinh phản đối đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Khi tới thăm Singapore mới đây, ông Tập lại gây xôn xao và bức xúc khi tuyên bố rằng Biển Đông “thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại”. Chính quyền Trung Quốc cũng tỏ ra “cay cú” với việc Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) xác định có thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền vô lý “đường lưỡi bò”.
Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đến Philippines trong hôm nay để thảo luận chuyến thăm của ông Tập và tìm cách cải thiện quan hệ Bắc Kinh - Manila đang căng thẳng. “Quan hệ Trung - Philippines đang gặp khó khăn” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận.
Tuy nhiên phía Bắc Kinh đổ lỗi rằng Manila phải có trách nhiệm cải thiện quan hệ song phương. Trên thực tế, không chỉ vì hành vi xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc, quan hệ Bắc Kinh - Manila đổ vỡ nghiêm trọng kể từ khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines hồi năm 2012.
Manila mô tả hành vi của Bắc Kinh là “bắt nạt” và “đạo đức giả”. Thời gian qua Philippines nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật để đối phó với các hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Và trong khu vực không chỉ có Philippines lo ngại.
Malaysia dù có quan hệ kinh tế - thương mại rất thân cận với Trung Quốc nhưng cũng đã bắt đầu công khai chỉ trích những đòi hỏi chủ quyền vô lý và bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nguồn tin VOA, trong bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị ASEAN, sẽ được tổ chức tại Kuala Lumpur ngày 21-11, ASEAN kêu gọi sớm thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
ASEAN kêu gọi các nước phải bảo vệ hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Nhưng bất chấp dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện các hành vi gây hấn trên Biển Đông.
Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội nước này vừa triển khai nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-11BH tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó báo chí cũng đưa tin loại máy bay này đã tập trận với tên lửa trên Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận