01/01/2016 09:06 GMT+7

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị

VÕ HỒNG QUỲNH -  MAI HƯƠNG thực hiện (vohongquynh@tuoitre.com.vn)
VÕ HỒNG QUỲNH - MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])

TT - Nhân dịp bước vào năm mới 2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về những kế hoạch để phát triển TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: Tự Trung
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: Tự Trung
Trước mắt, tôi cho rằng phải tập trung giải quyết ngay các bức xúc của nhân dân thành phố, tạo chuyển biến rõ rệt liên quan đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quá tải tại các bệnh viện và tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức...
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG

Ông Nguyễn Thành Phong nói:

- Nhìn lại quá trình phát triển của TP.HCM, nhất là giai đoạn 2010 - 2015, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Vai trò, vị trí của TP.HCM về kinh tế đối với cả nước ngày càng khẳng định, tỉ trọng kinh tế thành phố trong nền kinh tế đất nước ngày càng cao, GDP chiếm hơn 20%, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm hơn 20% cả nước, thu ngân sách nhà nước chiếm 24% cả nước...

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận hiện nay vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập chưa cao.

Quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường...

Đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như kẹt xe, ngập nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông...

Tái cấu trúc kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng

* Một trong những khâu đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 đặt ra chính là chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Ông có thể cho biết những giải pháp nào để thực hiện được chương trình này?

- Chúng tôi tập trung triển khai các giải pháp đột phá để di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu...

Chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc di dời toàn bộ 19.524 căn nhà (riêng giai đoạn 2015-2020 giải tỏa di dời gần 10.000 căn nhà), đồng thời cơ bản giải quyết việc xây dựng mới thay thế các chung cư hư hỏng, kết hợp chỉnh trang đô thị...

Để làm được việc này, chúng ta cần một nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, thành phố sẽ nghiên cứu phương thức xã hội hóa dự án chỉnh trang đô thị nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia. Chủ đầu tư được hoán đổi quỹ đất công dôi dư, mặt bằng kho bãi trên địa bàn thành phố.

Thực hiện mở rộng diện thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng giá trị sử dụng đất để mời gọi đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị. Sử dụng nguồn vốn ODA đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm nguồn vốn lớn nhưng khả năng thu hồi thấp (như hệ thống metro, nhà máy xử lý rác thải...).

Bán đấu giá tạo nguồn lực thực hiện chương trình từ nguồn nhà đất dôi dư; nhà máy sản xuất ô nhiễm, tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả, vi phạm về quản lý sử dụng đất...

* Trước những khó khăn, thách thức hiện nay, TP.HCM phải tập trung vào những chương trình trọng điểm nào để sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á?

- TP.HCM sẽ tập trung tái cấu trúc kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, gia tăng tỉ trọng đóng góp của các ngành, sản phẩm có tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh...

TP.HCM sẽ ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, về vốn, mặt bằng và hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Trước mắt, tôi cho rằng phải tập trung giải quyết ngay các bức xúc của nhân dân thành phố, tạo chuyển biến rõ rệt liên quan đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, quá tải tại các bệnh viện và tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức...

4 giải pháp ngăn chặn tham nhũng

* Bộ Chính trị vừa ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, án tham nhũng. Theo ông, phải chăng trong thời gian qua công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải tiếp tục tăng cường?

- Công tác phòng chống tham nhũng đã có những kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực ở nhiều khâu; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chủ động, tích cực trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Song về tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng còn chậm, chưa dứt điểm, kéo dài nhiều năm bởi lẽ còn có những hạn chế nhất định trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng.

Trong tình hình hiện nay phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh và có những chỉ đạo kịp thời; công tác phòng chống tham nhũng cần tiếp tục làm kiên quyết, kiên trì, mạnh mẽ hơn, phối hợp tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn.

* Kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn, phát hiện tham nhũng, tuy nhiên lâu nay công tác này còn làm hình thức. Theo ông, nên chấn chỉnh việc này như thế nào?

- Tôi cho rằng có bốn giải pháp. Trước hết, phải thực hiện nghiêm các quy định về kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật.

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, xác minh, thẩm định tính trung thực của các bản kê khai tài sản, thu nhập, trong đó tập trung vào nhóm cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức công tác trong các lĩnh vực, ngành có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động giám sát của cộng đồng, của các cơ quan báo chí đang được xem là một trong những giám sát có hiệu quả.

Thứ tư, xử lý nghiêm việc kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm, vi phạm các quy định về kê khai tài sản, thu nhập.

* Bản thân ông đã kê khai tài sản, công khai nguồn thu nhập ra sao?

- Mọi công dân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Bản thân tôi là công dân, hơn nữa là cán bộ đảng viên nên càng phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.

Tôi đã thực hiện việc kê khai tài sản, công khai nguồn thu nhập một cách nghiêm túc theo quy định. Hằng năm, các bản kê khai này đều được nộp về cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, giám sát.

VÕ HỒNG QUỲNH - MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên