Ngày 11-10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 gồm Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM Nguyễn Thanh Sang đã tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức.
Tại đây, nhiều cử tri nêu ý kiến liên quan đến giá bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3. Cử tri Lê Minh Thắng (phường Trường Thạnh) có khu đất diện tích 3.300m2 nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển. Mức giá bồi thường dao động từ 5,8 triệu đến 7,6 triệu đồng/m2, ông nhận được 23 tỉ đồng.
Trong khi đó, cử tri cho biết giá đất mặt tiền tại khu vực này bị giải tỏa đang giao dịch ở mức trên dưới 70 triệu/m2. Nếu bán đi, họ sẽ nhận được 100 tỉ đồng.
Cử tri Thắng còn cho rằng cùng một dự án nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp tại TP.HCM chưa bằng một nửa với Bình Dương. Cùng trục đường Nguyễn Xiển, giá bồi thường tại Bình Dương là 16,7 triệu, còn tại TP là 7,6 triệu.
"Tôi đề nghị chính quyền TP Thủ Đức, chính quyền TP.HCM nên lắng nghe để thấu hiểu nguyện vọng của người dân, để tránh thiệt thòi và tránh gây bức xúc không đáng có", cử tri Lê Minh Thắng nói.
Về vấn đề này, ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết TP rất biết ơn khi triển khai dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Những vấn đề cử tri đưa ra về đơn giá bồi thường đất nông nghiệp chưa phù hợp, chênh lệch giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM thì lãnh đạo TP đã nắm tình hình.
Theo ông Tùng, đơn giá bồi thường là câu chuyện rất phức tạp đòi hỏi quá trình xây dựng công phu, thông qua nhiều cấp nhiều ngành để được phê duyệt. Và TP Thủ Đức sẽ tiếp nhận tất cả ý kiến cũng như các vấn đề liên quan cụ thể để bàn bạc giải quyết.
"Cá nhân tôi mong muốn có giá bồi thường hợp lý cho người dân, làm sao hài hòa được lợi ích, giảm thiệt hại cho người dân. Riêng vành đai 3, chúng tôi đã có 6 tổ công tác để giải quyết từng câu chuyện cụ thể. Lãnh đạo TP.HCM cũng rất quan tâm, nhưng phải cân nhắc rất nhiều để có mức giá phù hợp" - ông Tùng nói.
Đại biểu Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng vấn đề nhân dân kiến nghị về giá đất đền bù cũng đã được lãnh đạo TP Thủ Đức nắm bắt và có ý kiến với lãnh đạo TP.HCM.
Theo ông Quân, đây là vấn đề khó và các ngành chức năng vẫn đang cố gắng giải quyết làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Phòng chống tham nhũng không có vùng cấm
Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội gồm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Lê Thanh Phong, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11.
Cử tri Trần Ngọc Du (quận 5) cho rằng công tác phòng chống tham nhũng cần chú trọng nhận diện nguyên nhân, thể hiện rõ việc không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Tôi cho rằng vẫn còn vùng cấm trong một số vụ việc. Nhiều cán bộ cấp dưới đã bị bắt, nhưng người đứng đầu vẫn không sao. Chúng ta cần quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình", cử tri Trần Ngọc Du nói.
Cử tri Trương Hồng Sơn (quận 8) đề nghị ngành công an giải quyết tận gốc nạn chăn dắt ăn xin, truy quét các đối tượng đầu nậu, đồng thời có giải pháp đối với những người được thu gom về.
Trả lời các kiến nghị của cử tri, đại biểu Lê Minh Trí - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - cho biết so với trước đây, công tác chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước làm ngày càng quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý rất nghiêm minh. Tuy nhiên việc xử lý nghiêm này cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật.
Về nạn chăn dắt ăn xin, ông Trí cho biết cơ quan chức năng đã thấy và làm nhưng chưa triệt để. "Những cháu bé ăn xin này chỉ là công cụ, phương tiện, đằng sau là một nhóm người sống bằng nghề chăn dắt. Dân thấy mà cơ quan chức năng không thấy, không làm là thiếu trách nhiệm với xã hội, với người dân. Bộ Công an và chính quyền địa phương phải phối hợp để làm sao xử lý triệt để vấn đề này" - ông Lê Minh Trí nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận