Chiều 13-6, tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP.HCM) Hoàng Tùng đã góp ý về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM.
Ông Tùng đồng tình với việc TP.HCM xin các cơ chế đột phá, hành lang pháp lý để triển khai thực hiện nhanh đề án, bởi cứ làm như hiện nay thì không biết đến bao giờ mới xong. TP.HCM cần đặt ra mục tiêu có nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện, nhưng không làm một mình mà áp dụng chung cho TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng cho rằng nên tính toán các phương án phù hợp với kinh tế - xã hội của TP vì nếu chạy tàu như nước ngoài thì dùng công nghệ toàn bộ của nước ngoài. Việc làm chủ công nghệ rất quan trọng, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nước khác.
Ông Tùng cũng gợi ý mô hình xe buýt điện chạy trên đường ray có sẵn, chi phí rẻ hơn nhiều.
"Những chuyến xe buýt này trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được. Chỉ cần nối 2-3 toa với nhau có thể cáng đáng phân nửa khối lượng đường sắt đô thị hiện nay", ông Tùng nói.
Ông cho biết ở Úc đã thực hiện đường opal, xe buýt chạy trên đường ray có sẵn, khi hết đường ray thì chạy luôn vô đô thị được. Đây không phải là loại hình đường sắt đô thị, nhưng có dẫn tuyến, tiết kiệm được chi phí nhiều hơn khi nhập hoàn toàn bằng công nghệ nước ngoài.
Cũng góp ý về đề án hệ thống đường sắt đô thị, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng sáng nay (13-6), bí thư Thành ủy TP.HCM cũng có trăn trở về tuyến metro số 1.
"Mười mấy năm chưa xong một tuyến, bây giờ phải rút kinh nghiệm cho các tuyến sau để làm nhanh hơn. Tiền thì chúng ta có thể huy động nhiều nguồn, nhưng muốn làm nhanh phải có những quy định pháp luật, cơ chế để bảo vệ anh em và để anh em có cơ sở để làm. Muốn làm nhanh mà cơ sở pháp lý không có thì không được", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết TP.HCM đã đề xuất 28 cơ chế để triển khai nhanh hệ thống đường sắt đô thị. Trong đó có khoảng 2/3 cơ chế trình Quốc hội ban hành nghị quyết với các cơ chế chính sách đặc thù tương tự như nghị quyết 98 để TP thực hiện.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý đến tính đồng bộ của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, bà Lệ cho rằng đảm bảo công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng phải được thực hiện một cách đồng bộ, hoàn thành trong vòng 4-5 năm để đủ cơ sở triển khai thuận lợi.
Đồng thời cần lưu ý ưu tiên phương án sử dụng nguồn lực tài chính từ việc tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận