Ông Thành chỉ nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43%), 2 phiếu tín nhiệm (4,26%).
Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Thành nói kết quả tín nhiệm thấp với ông quá bất thường, thế nhưng nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành ngay sau đó xác định việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tổ chức dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Chờ tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo kết quả
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo quy định phải đến ngày 15-1 mới là hạn cuối mà HĐND các tỉnh thành gửi báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu về Quốc hội. Đến nay, mới có một số địa phương báo cáo, riêng HĐND tỉnh Vĩnh Phúc chưa có báo cáo cụ thể kết quả lấy phiếu.
Liên quan đến trường hợp của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, vị lãnh đạo Ban Công tác đại biểu cho hay qua theo dõi kết quả bước đầu cho thấy đây là chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trong cả nước nhận trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp.
Theo vị này, nghị quyết 96 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định rõ hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp".
Cụ thể, với trường hợp chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc có thể xin từ chức, nếu không xin từ chức thì thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Vị này nêu rõ nghị quyết 96 không quy định về việc người nhận số phiếu tín nhiệm thấp như trường hợp chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc khi có kiến nghị thì phải xem xét hay bỏ phiếu tín nhiệm lại. Song người được lấy phiếu là cán bộ, đảng viên nên họ sẽ có quyền được phản ánh vấn đề liên quan đến các cơ quan có thẩm quyền.
Việc giải quyết phản ánh này sẽ được thực hiện đúng theo các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng không quy định cụ thể thời gian người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức.
"Nhưng căn cứ theo nghị quyết 96, nếu không xin từ chức thì thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất", vị này nêu rõ.
Cần có kết luận sớm, cụ thể
Còn TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng đến thời điểm hiện tại chưa có kết luận hay dấu hiệu nào cho thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc không khách quan hay có vấn đề thiếu minh bạch.
Theo ông Dĩnh, nếu có nghi vấn điều bất thường, có phản ánh của ông Thành thì các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc và trung ương cần vào cuộc sớm để kiểm tra và kết luận cụ thể. Bởi đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh chính trị của người cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Trước đó, sau khi có kết quả kiểm phiếu, trả lời báo chí, ông Lê Duy Thành cho biết kết quả tín nhiệm thấp với ông quá bất thường. Sau đó ngày 13-12, hai cơ quan nội chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch.
Lấy phiếu công khai, minh bạch, đúng trình tự
Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm được Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan ký ban hành ngày 13-12 và được ban hành căn cứ trên biên bản kiểm phiếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu. Nghị quyết nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tổ chức dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định.
Cũng theo kết quả, bà Hoàng Thị Thúy Lan - chủ tịch HĐND tỉnh, bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - nhận được 46 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 97,87% tổng số phiếu) và 1 phiếu tín nhiệm thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận