02/12/2016 14:01 GMT+7

Chủ tịch tỉnh Tiền Giang ra chợ kiểm tra rau quả Trung Quốc

V.TR.
V.TR.

TTO - Ngày 2-12, ông Lê Văn Hưởng - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cùng lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN&PTNT và lực lượng chức năng đến kiểm tra việc kinh doanh nông sản Trung Quốc tại TP Mỹ Tho.

Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (giữa) và các cơ quan chức năng kiểm tra nông sản Trung Quốc tại chợ Thạnh Trị, TP Mỹ Tho - Ảnh: V.TR.
Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (giữa) và các cơ quan chức năng kiểm tra nông sản Trung Quốc tại chợ Thạnh Trị, TP Mỹ Tho - Ảnh: V.TR.

 

Theo ông Hưởng, đây là buổi kiểm tra đột xuất sau khi báo Tuổi Trẻ có loạt bài “” và dư luận rất lo ngại nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng nông sản có nguồn gốc Trung Quốc.

Mua từ chợ đầu mối Bình Điền

Tại hai chợ sỉ chuyên kinh doanh nông sản trên đường Phan Thanh Giản và chợ trái cây Thạnh Trị, TP Mỹ Tho, đoàn đã ghi nhận phần lớn mặt hàng đang có tại các hộ kinh doanh đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nhiều loại nông sản vẫn còn nguyên thùng ghi chữ Trung Quốc vừa được mua ở chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền (TP.HCM) chở về để phân phối cho tiểu thương bán lẻ ở chợ.

Các loại nông sản Trung Quốc phổ biến là cà rốt, củ hành, củ tỏi, khoai tây, quýt, táo, nho, hồng giòn, lựu… Và tất cả các vựa này đều không có hóa đơn, chứng từ.

Bà Trương Ngọc Ánh (chủ vựa Vĩnh Hưng trên đường Phan Thanh Giản) cho biết mua nông sản Trung Quốc từ chợ đầu mối Thủ Đức kiểu “tiền trao, cháo múc", không hề có hóa đơn.

Các hộ khác cũng vậy. Mua hàng không có hóa đơn, chứng từ rồi bán cũng không có giấy tờ gì ngoài một phiếu in sẵn ghi tên người mua, số lượng và tổng số tiền.

PGĐ Sở NNPTNT Lê Minh Khánh (trái) giải thích với chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về việc trái cây Trung Quốc sử dụng nhiều hóa chất bảo quản nên để lâu vẫn tươi - Ảnh: V.TR.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Khánh (trái) giải thích với chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về việc trái cây Trung Quốc sử dụng nhiều hóa chất bảo quản nên để lâu vẫn tươi - Ảnh: V.TR.

 

Quýt gần khô vỏ nhưng cuống vẫn xanh tươi

Bác sĩ Trần Thanh Thảo, giám đốc Sở Y tế “soi” rất kỹ những củ cà rốt to, nặng, được rửa sạch đóng thùng giấy.

Ông nói: “Cà rốt đẹp thế này bán đầy ngoài chợ. Vì không có tem, nhãn hiệu gì nên không ai biết đây là hàng Trung Quốc. Phần lớn người tiêu dùng đều nghĩ đây là hàng Việt”.

Tiếp đó, ông mở thùng đựng khoai tây, bên ngoài có ghi nhãn hiệu khoai tây Hà Lan. Bên trong, khoai tây cũng còn lạnh vì mới đưa khỏi container. Tuy nhiên tất cả đều đã nảy mầm. 

Chủ vựa xác nhận khoai tây này của Trung Quốc. Một số thùng đã được bôi đen dòng chữ “Khoai tây Hà Lan” bằng sơn phun.

Tại một vựa bán trái cây ở chợ Thạnh Trị, ông Lê Minh Khánh (phó giám đốc Sở NN&PTNT) và chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng rất băn khoăn khi nhìn thấy những trái quýt xốp của Trung Quốc (trái nhỏ, màu vàng) gần khô vỏ, nhẹ tênh do thu hoạch từ khá lâu nhưng cuống và lá vẫn xanh tươi như mới thu hoạch.

Đến các vựa nông sản khác thì hàng Trung Quốc cũng chiếm trên 50%. Người bán thừa nhận phần lớn nông sản mà người dân ăn hàng ngày là hàng Trung Quốc. Còn sở dĩ họ đem về bán là vì thị trường chấp nhận. Người tiêu dùng thích đẹp, rẻ. Củ hành, củ tỏi, cà rốt, khoai tây… bán rất mạnh. Có một thực tế là khi ra chợ thì ít có ai hỏi hàng này có nguồn gốc, xuất xứ ở đâu.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu các loại nông sản Trung Quốc để kiểm nghiệm; đồng thời nhắc nhở các hộ kinh doanh mua bán hàng hóa không có chứng từ là vi phạm pháp luật.

Tới đây các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra. Hộ kinh doanh phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên