10/06/2022 18:13 GMT+7

Chủ tịch tỉnh Bình Dương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Trước nhiều vướng mắc khiến hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà bị ngành điện ngưng thanh toán, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có chỉ đạo tháo gỡ.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời - Ảnh 1.

Trong khi hàng ngàn doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lớn và bị ngân hàng đòi nợ (mỗi 1 MW điện mặt trời cần trên 10 tỉ đồng để đầu tư) thì một số tiền khổng lồ bị EVN ngưng thanh toán, dù vẫn lấy điện rồi bán cho người tiêu dùng - Ảnh: B.S.

Ngày 10-6, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã có văn bản thông báo kết luận của ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh - về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan các công trình điện mặt trời mái nhà.

Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng trong thời gian qua việc ngành điện tạm ngưng thanh toán tiền điện với các công trình điện mặt trời mái nhà đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, Công ty Điện lực, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và các địa phương, các ngành liên quan để thống nhất về nội dung. Qua đó để hướng dẫn doanh nghiệp, người dân hoàn thiện hồ sơ theo hướng đơn giản nhất, nhất là đối với các hộ dân đã đầu tư, sử dụng công trình điện mặt trời mái nhà.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy được yêu cầu phối hợp với các địa phương để có hướng dẫn chi tiết hơn, theo hướng rõ ràng, cụ thể, đơn giản nhằm hỗ trợ người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý. Các ngành tập trung hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà, theo hướng để doanh nghiệp chủ động thực hiện, các trường hợp đủ điều kiện pháp lý thì ngành điện xem xét, giải quyết…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao giám đốc Sở Công thương làm tổ trưởng tổ công tác với sự tham gia của giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, lãnh đạo các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời mái nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết liên quan kiến nghị của các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà, vấn đề mấu chốt là chưa có cách hiểu thống nhất về quy định cấp phép xây dựng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đối chiếu các quy định trong lĩnh vực xây dựng thì các hệ thống điện mặt trời mái nhà là "công trình cấp IV" và "không thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng". Thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với hệ thống trong khu công nghiệp là Ban Quản lý các khu công nghiệp, còn lại là UBND cấp huyện nơi có công trình.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của nhà đầu tư, họ cho rằng hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ là thiết bị lắp đặt trên mái nhà (đã được cấp phép trước đó), nên không cần phải xin phép xây dựng... Tới nay hầu hết các hệ thống điện mặt trời đã đi vào hoạt động ổn định mới đòi hỏi giấy phép xây dựng thì nhà đầu tư không thể xin phép với công trình đã hiện hữu.

Ông Bồ Kỹ Thuật - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - cho biết sở không chủ động yêu cầu về giấy phép xây dựng, mà do sau khi Bộ Công thương kiểm tra nên Công ty Điện lực Bình Dương mới có văn bản hỏi sở.

Trước thời điểm cuối năm 2020 (hạn chót để hoàn thành xây dựng hệ thống điện mặt trời), sở không nhận được yêu cầu hướng dẫn của nhà đầu tư, mà sau hơn một năm ngành điện lực ký hợp đồng mua bán với các nhà đầu tư, phía công ty điện lực mới có văn bản gửi sở. Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết sẽ có báo cáo lên Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn về vấn đề này.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, từ tháng 3-2022 tới nay, không chỉ tại Bình Dương mà tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và hầu hết các tỉnh phía Nam, ngành điện tạm ngưng thanh toán cho các công trình điện mặt trời mái nhà dù vẫn đang lấy điện của nhà đầu tư rồi bán lại cho người dân.

Lý do ngành điện lực đưa ra khi ngưng thanh toán là để yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ xây dựng, an toàn của công trình, dù các hệ thống điện mặt trời đã được ký hợp đồng mua bán điện hơn một năm (từ đầu năm 2021 đến tháng 3-2022).

Nhiều nhà đầu tư bị ngưng thanh toán đứng trước nguy cơ phá sản do không có tiền trả ngân hàng, trong khi một số tiền rất lớn vẫn đang được các công ty điện lực "ngâm" lại không trả cho nhà đầu tư.

Điện mặt trời bán hơn năm rồi giờ điện lực mới đòi Điện mặt trời bán hơn năm rồi giờ điện lực mới đòi 'giấy xây dựng'

TTO - Mặc dù điện mặt trời là loại năng lượng tái tạo được khuyến khích đầu tư nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang “khóc đứng khóc ngồi” vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột ngừng thanh toán để bổ sung hồ sơ an toàn công trình.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên