Phát biểu tại diễn đàn Tài sản số 2024 diễn ra chiều 28-3, ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch Chứng khoán SSI kiêm chủ tịch SSI Digital - cho rằng cần có đề xuất với Chính phủ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số.
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số
Việc sớm có khung pháp lý, theo ông Hưng, sẽ giảm thiểu rủi ro an ninh tiền tệ khi các dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ, minh bạch. Đồng thời sẽ tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Dẫn số liệu từ Crypto Crunch App, ông Hưng cho biết Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.
Khi luật chấp nhận, sẽ có sàn, có chợ để mua bán chuyển nhượng, ông Hưng cho hay. Ngược lại, sẽ xuất hiện rủi ro về pháp lý, cơ chế quản lý nguồn vốn và lừa đảo gia tăng.
"Thị trường càng mơ hồ càng dễ lừa đảo. Không phân biệt được vàng - thau, nhà đầu tư càng khó phân định và quyết định tài sản. Dù là tiền của ai, nếu bị mất thì đâu đó cũng sẽ là thất thoát khỏi Việt Nam", ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cũng nói mình là dân tài chính, không hiểu biết nhiều về lĩnh vực tài sản số. Tuy nhiên, thực tế thị trường lại rất cần những định chế tài chính có thể tập hợp và tạo trung tâm kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp mong muốn phát triển trong lĩnh vực công nghệ.
Theo Boston Consulting Group, tổng trị giá tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỉ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu.
Với con số khổng lồ nêu trên, ông Hưng cho rằng cần có đề xuất cơ chế đặc thù hợp pháp nhằm để mọi người tham gia chính thống. Đồng thời tạo ra một nơi để tất cả start-up công nghệ tìm đến để nương tựa và huy động vốn.
Tại sự kiện, ông Macolm Wright - giám đốc pháp chế tuân thủ toàn cầu OKX (Singapore) - đã chia sẻ về chiến lược và kinh nghiệm quản lý tài sản số, bao gồm cả tiêu chuẩn toàn cầu về chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CTF).
Các vấn đề bảo vệ tài sản người dùng, bảo mật, cấp phép và tuân thủ báo cáo… cũng được ông Macolm Wright đưa ra.
Ông Macolm Wright nói việc thiết lập khung pháp lý phức tạp nhưng thực sự cần thiết, để đảm bảo tính an toàn, minh bạch tài chính, thích ứng vấn đề trong tương lai.
Gọi tài sản số, đỡ "sợ" hơn tiền ảo?
Chia sẻ tại diễn đàn, TS Nguyễn Thị Thùy Dung (Học viện Tài chính) cho biết lần đầu tiên biết đến bitcoin vào năm 2019. Khi kiểm tra biểu đồ giá, cảm giác rất FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ), tuy nhiên bà Dung không dám đầu tư vì rủi ro, chưa có khung pháp lý.
"Chúng ta cũng không thể đầu tư khi chưa nắm được cách thức kỹ thuật và tổ chức đằng sau vận hành", bà Dung nói. Bà Dung cũng thông tin Học viện Tài chính đang được giao làm đề án nghiên cứu khuôn khổ pháp lý về tài sản số.
Ông Nguyễn Trung Trang - CO Founder SSI Digital - cho biết tài sản số không đơn thuần là bitcoin, khái niệm này rộng hơn rất nhiều.
Ông Trang nói thêm, tài sản số dường như dễ được chấp nhận hơn khái niệm "tiền ảo". Dù bản chất vẫn vậy nhưng theo ông Trang, gọi tiền ảo nghe rất "kinh khủng". Ông mong muốn được phổ cập kiến thức nhiều hơn, giúp mọi người nhiều hơn về tài sản số.
Một số chuyên gia khác nêu thực tế dù Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này, các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế.
Dù phức tạp, nhưng một số quan điểm cũng cho rằng tài sản số là xu hướng phát triển tất yếu. Do đó, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới, đánh giá và lựa chọn để góp ý xây dựng, cùng Chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc thiết lập các nguyên tắc và ban hành quy định, bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý, cung cấp dịch vụ tài sản số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận