Bị cáo Nguyễn Tiến Lãm tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: A LỘC
Theo cáo trạng, Quỹ tín dụng nhân dân Quảng Tiến (QTD Quảng Tiến) có trụ sở tại ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), được thành lập theo giấy phép của giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh Đồng Nai với nội dung hoạt động gồm nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân; vay vốn Quỹ tín dụng trung ương; cho vay vốn với các thành viên trong và ngoài quỹ...
Tháng 10-2010, QTD Quảng Tiến chính thức đi vào hoạt động, bị cáo Lãm giữ chức danh chủ tịch hội đồng quản trị; vốn điều lệ ban đầu là 2,03 tỉ đồng và tăng lên 3,08 tỉ đồng vào năm 2015. Danh sách góp vốn có 15 thành viên nhưng thực tế chỉ có một mình Lãm góp vốn với số tiền trên 427 triệu đồng, số tiền còn lại Lãm lấy từ nguồn tiền của khách hàng gửi tiết kiệm tại QTD Quảng Tiến. Những người còn lại chỉ đứng tên để hợp thức hóa hồ sơ, mọi hoạt động đều do Lãm quyết định.
Quá trình hoạt động của QTD Quảng Tiến không tổ chức các cuộc họp hội đồng quản trị nhưng Lãm tự mình làm biên bản để hợp thức hóa hoạt động của quỹ. Thời gian đầu hoạt động chưa được sự tin tưởng của người dân nên gặp khó trong vấn đề huy động tiền gửi tiết kiệm. Do đó, Lãm chủ trương huy động tiền gửi bằng lãi suất cao từ 13-17% tùy thời điểm và khách hàng.
Sau khi huy động được tiền của khách hàng, Lãm chỉ đạo kế toán, thủ quỹ lập 2 hệ thống sổ sách kế toán. Trong đó, một hệ thống báo cáo cho NH Nhà nước để đối phó khi bị kiểm tra, giám sát; một hệ thống báo cáo quản trị nội bộ tại quỹ.
Ngoài ra, Lãm còn chỉ đạo nhân viên lấy tiền khách hàng gửi sau để trả lãi cho khách hàng gửi trước; chi trả lương nhân viên; mua bảo hiểm các loại; đóng thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền thuê trụ sở. Thậm chí chi cho hoạt động du lịch của cán bộ nhân viên hằng năm; tiền ăn uống, sinh nhật, từ thiện và các khoản hoạt động xã hội; tiền phạt vi phạm giao thông...
Từ năm 2010 đến tháng 12-2017, QTD Quảng Tiến huy động được 156,6 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trong đó, để ngoài hệ thống sổ sách không báo cáo NH Nhà nước là 137,1 tỉ đồng, để trong hệ thống là 16,8 tỉ đồng. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Lãm chỉ đạo nhân viên làm hợp đồng vay của NH Hợp tác xã Việt Nam - chi nhánh Đồng Nai số tiền 2,7 tỉ đồng và đến nay vẫn còn nợ.
Sau khi huy động được vốn, Lãm rút tiền ra khỏi kho của quỹ nhằm mục đích chiếm đoạt. Bằng quyền hành của mình, Lãm tự làm mẫu "giấy đề nghị tạm ứng" và tự ký tên với chức danh chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc, sau đó Lãm đưa cho cấp dưới ký tên xác nhận để dễ dàng rút tiền ra ngoài.
Cáo trạng xác định, từ năm 2011 - 2017, Lãm trực tiếp nhận tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của Lãm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Tổng cộng, Lãm chiếm đoạt hơn 70 tỉ đồng.
Trong ngày xét xử đầu tiên, sau khi đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai công bố cáo trạng vụ án, hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ các khoản vay của bị cáo đối với các NH liên quan.
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 15 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận