Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn
Tham dự có ông Trần Thanh Mẫn - phó chủ tịch thường trực Quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM.
TP.HCM hồi phục, cả nước mừng vui
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp ngân sách lớn cho cả nước. Do đó, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM chính là thúc đẩy sự phát triển cho cả nước.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển TP như nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, nghị quyết 1111 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; nghị quyết số 27 về thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP…
Theo ông Vương Đình Huệ, năm 2021, TP chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống và sinh kế của người dân. TP đã nỗ lực để vượt khó, đưa ra nhiều mô hình hay để kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương những kết quả mà TP đạt được trong công tác kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực triển khai thực hiện chủ đề năm, xây dựng chính quyền đô thị, đưa TP Thủ Đức đi vào hoạt động.
Hai tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của TP.HCM phục hồi khá nhanh. Thu ngân sách 2 tháng đầu năm đã đạt 89.000 tỉ đồng, chiếm 23% dự toán năm. Một ngày làm việc, TP thu vào 2.200 tỉ, bằng số thu của một số tỉnh trong một năm. An ninh quốc phòng được đảm bảo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
"TP.HCM phục hồi nhanh không phải chỉ là niềm vui phấn khởi của TP mà cái mừng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước. Mừng đến phát khóc chứ không phải đơn giản đâu", ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, đánh giá trước những khó khăn mới sắp tới khi giá nhiên liệu tăng, tăng nguy cơ lạm phát...
Ông Vương Đình Huệ cho rằng, đánh giá trước tình hình, TP nên tiếp tục duy trì những động lực và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để phát triển. TP cũng cần rà soát lại chương trình phục hồi kinh tế cho phù hợp với chương trình của Chính phủ. Song song với đó phải tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, kỷ cương.
5T cho TP.HCM
Chủ tịch Quốc hội trao cho TP.HCM 5 chữ T: Tự hào, Tự tin, Trí tuệ, Toàn tâm, Tất thành công.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu TP tiếp tục tháo gỡ để đẩy nhanh các dự án trọng điểm như tuyến metro số 1, 2; dự án chống ngập, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
"Cái nào vướng thuộc thẩm quyền của TP thì tích cực tháo gỡ, cái nào của Trung ương thì đề xuất. Việc nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội sẵn sàng lắng nghe để chung tay tháo gỡ cho TP", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về các kiến nghị của TP, Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP tích cực đề xuất với các bộ ngành hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của TP với tinh thần "TP vì cả nước, cùng cả nước thì cả nước cũng vì TP.HCM".
Ông Vương Đình Huệ đồng thuận với đề xuất của TP về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn; đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính quốc tế. Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc TP cần có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển. Riêng kiến nghị cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, ông Vương Đình Huệ đề nghị TP có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước.
"Cần tổng kết nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng nên có nghị quyết mới. Nên đề xuất chính sách mới để nghiên cứu chủ trương", ông Vương Đình Huệ nói.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết nhiều công việc TP triển khai thời gian qua vướng quy định. TP sẽ có những đề xuất tháo gỡ, để giúp TP khơi thông nguồn lực phát triển.
Người đứng đầu Thành ủy TP nhìn nhận mặc dù TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng những năm qua, đầu tàu này đã bị mất đà và yếu lực mà bản thân nó không thể vượt qua, cần phải được tháo gỡ bằng cơ chế thỏa đáng.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP gửi gắm niềm tin vào đoàn công tác để TP có những chính sách để phát triển, để đầu tàu có thể khởi động, tăng tốc kéo đoàn tàu cả nước vượt qua khó khăn’, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Một số nội dung nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: TỰ TRUNG
Báo cáo với đoàn công tác Quốc hội, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết năm 2022 thành phố phấn đấu thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm 5 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 5 chỉ tiêu về đô thị và môi trường, 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6% - 6,5%.
Về kết quả triển khai thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha. Từ đó đã giúp TP chủ động, rút ngắn thời gian xem xét việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha.
UBND TP cũng trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỉ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP.HCM.
Tuy nhiên, việc triển khai một số nội dung theo nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Nguyên do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định và do đại dịch.
Ngoài ra, hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị trung ương ở TP. Nghĩa là, TP chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.
Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác hậu kiểm và phối hợp rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất do các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố chưa đảm bảo theo tiến độ.
Tại buổi làm việc, TP.HCM đã kiến nghị lên đoàn công tác 11 nhóm vấn đề quan trọng:
- Dự án đường vành đai 3: TP kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án.
- Về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kiến nghị Quốc hội cho phép TP được thực hiện cơ chế, đối với các nguồn vốn mà TP có thể huy động từ các nguồn thu của TP ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng tại quyết định 1535 (142.557 tỉ).
- Về đề án phát triển TP trở thành trung tâm tài chính quốc tế: TP kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để đề án được thông qua trong thời gian sớm nhất.
- Về cơ chế cho TP Thủ Đức: TP kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét chấp thuận khi đề án hoàn chỉnh được trình.
- Đối với nghị quyết số 54 của Quốc hội: TP kiến nghị Quốc hội cho phép TP được tiếp tục thực hiện nghị quyết số 54 đến hết giai đoạn 2023 - 2025 hoặc Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP phù hợp với vị trí vai trò của TP để vừa huy động cao nhất nguồn lực phát triển, vừa nâng cao hiệu quả quản lý một siêu đô thị.
- Kiến nghị về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TP.
- Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép TP áp dụng cơ chế đấu thầu dự án thay cơ chế đấu giá đất công để thực hiện theo quy hoạch. Với cơ chế đấu thầu dự án bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển với mục tiêu thu ngân sách từ quỹ đất.
- Kiến nghị về các nội dung trọng tâm đề xuất cơ chế chính sách phát triển TP.HCM.
- Về kiến nghị nội dung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Về kiến nghị nội dung thẩm quyền tổ chức bộ máy hành chính.
- Về kiến nghị nội dung thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận