Sáng nay 10-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước, Luật Viễn thông sửa đổi.
Phải đảm bảo việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế
Nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Viễn thông sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay 3 vấn đề lớn được cơ quan soạn thảo đưa vào gồm trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.
Tuy nhiên, theo ông Huệ, việc đưa vào hay không, đưa vào mức độ nào đang có ba quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng không phải là dịch vụ viễn thông, hoạt động viễn thông nếu đưa vào luật này là không phù hợp.
Thứ hai, theo ông Huệ, hiện nay có sự giao thoa giữa công nghệ thông tin và viễn thông, tạo ra vô số ứng dụng và trong rất nhiều trường hợp không thể phân định rạch ròi giữa công nghệ thông tin vời viễn thông.
Trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT ngày càng phổ biến hơn kể cả nước ta, ảnh hưởng rất lớn đời sống xã hội, quyền, lợi ích cá nhân, tổ chức.
Trong dự án luật này có thuyết minh một số nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc xây dựng luật này với tính chất là các dịch vụ viễn thông. Do đó việc bổ sung là cần thiết đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Cơ quan soạn thảo đi theo quan điểm này.
Thứ ba, quan điểm này đề nghị có đưa vào luật nhưng không phải tất cả, mà chỉ ở mức độ thôi.
Ông chỉ rõ việc đề nghị cân nhắc đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo luật ở mức độ phù hợp, đảm bảo khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Thêm đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để quy định cụ thể hơn việc kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT về cấp độ quản lý, điều kiện quản lý. Họ thiên về có quy định nhưng phải có độ mở của nó để có thể tiến thoái.
"Cá nhân tôi và thường vụ theo hướng này. Quy định nhưng không phải là tất cả, không phải cái gì cũng lôi hết vào luật rồi "trói tay trói chân".
Cuối cùng lại để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phản ứng, hay có gì không phù hợp sẽ rất phức tạp trong quá trình tổ chức triển khai", ông Huệ nêu thêm.
Ông chỉ rõ việc khi làm luật của cơ quan nào, người ta nghĩ đến tư duy của cơ quan đó là chính. Nhưng yêu cầu phải có cái nhìn toàn diện.
"Quốc hội là một trong những khâu để đảm bảo hài hòa việc này. Tôi không đánh giá chuyện lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm bộ ngành, nhưng khi tư duy thường tư duy kỹ thuật, quản lý của bộ đó là chính.
Trách nhiệm xây dựng pháp luật phải nhìn vấn đề rộng hơn", ông Huệ nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu các quy định tại luật phải đảm bảo việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế.
Ông dẫn chứng ngay Luật Giá mà Quốc hội sẽ bấm nút thông qua, "cứ im im thế thôi" nhưng hiện doanh nghiệp trong nước, ngoài nước gửi "tới tấp" kiến nghị đến cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, có ý kiến hỏi vì sao lại đưa sữa cho người già vào danh mục mặt hàng bình ổn giá trong khi trước đó chưa có đánh giá tác động thế nào...
"Tối qua, tôi lại nhận được một ý kiến về giá trần, giá sàn của vé máy bay. Chúng ta phải lắng nghe rất kỹ lưỡng, thuyết phục và giải thích đầy đủ", ông Huệ nêu.
Tồn hơn 5.000 tỉ đồng không chi được, có nên duy trì quỹ?
Cũng nêu ý kiến tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn về quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Ông nói nguồn quỹ này được thu từ đóng góp bắt buộc với tỉ lệ nhất định từ phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, thực chất như một khoản thu ngoài thuế, bắt buộc đóng góp.
Về nhiệm vụ chi của quỹ, ông Tùng nói một số nội dung chi trùng với việc chi ngân sách, ví dụ chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo để tiếp cận dịch vụ viễn thông…, đó đều là những chính sách thuộc nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, ông cũng băn khoăn khi số dư quỹ này còn lớn, không sử dụng được. Trong đó, Chính phủ báo cáo quỹ còn tồn hơn 5.000 tỉ đồng không chi được.
"Vậy có nên tiếp tục duy trì quỹ không?", ông Tùng nêu ra câu hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận