Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, sau khi lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức diễn đàn, đoàn chủ tịch đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, người lao động cả nước.
Sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động; hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn...
Trong các vấn đề được đoàn viên, người lao động quan tâm, nổi lên một số vấn đề: nhà ở cho người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu.
Các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...
Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe của công nhân...
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Tại diễn đàn hôm nay, theo ông Khang, 500 đoàn viên, người lao động đại diện đoàn viên, người lao động cả nước sẽ phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đánh giá rất cao sáng kiến của Đoàn chủ tịch tổng liên đoàn đã đề xuất tổ chức Diễn đàn người lao động Việt Nam 2023.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có hai điểm đặc biệt liên quan diễn đàn. Trong đó, thứ nhất, diễn đàn được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Thứ hai, diễn đàn được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng - nơi tổ chức các kỳ họp của Quốc hội, đưa ra các quyết sách quan trọng với đất nước.
Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc coi diễn đàn là một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt.
Đồng thời, là một diễn đàn mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, người lao động - những người đang hằng ngày lao động hăng say đóng góp cho sự nghiệp phát triển nước nhà.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên, công đoàn để từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đưa ra Quốc hội bàn thảo, hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật...
Công nhân trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỉ đồng
Đặt vấn đề tại đây, ông Nguyễn Minh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (Hà Nội) - đã nêu về việc công nhân trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỉ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong đề án 1 triệu căn hộ.
Tuy nhiên mức lãi suất 8,2%/năm vẫn rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp. Thêm đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế gần như công nhân chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Từ đó, ông đề nghị có giải pháp về vấn đề này.
Trả lời về gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói đây là gói hỗ trợ nằm trong nghị quyết 33 của Chính phủ. Trong đó, có chương trình thực hiện đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động.
Ông Sinh nói có nhiều giải pháp để thực hiện. Chính phủ đã giao cho các địa phương từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các chính sách khuyến khích nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030 để đầu tư được ít nhất 1 triệu căn hộ…
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cả nhà đầu tư và đối tượng được mua nhà vay với lãi suất ưu đãi từ 1,5 - 2%. Thời gian được vay với chủ đầu tư là 3 năm, người mua nhà 5 năm. Việc hỗ trợ này chắc chắn giúp nhà đầu tư có nguồn vốn.
Thời gian vừa qua, theo ông Sinh, Ngân hàng Nhà nước tích cực ban hành các văn bản hướng dẫn, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai.
Trong quá trình triển khai, chúng ta đã gặp khó trong nguồn cung. Một số thủ tục còn nhiều vướng mắc.
Ông nói Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, nhất là Ngân hàng Nhà nước có các hướng dẫn cụ thể, các ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai gói này.
Ngoài gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, ông Sinh nêu Quốc hội ban hành nghị quyết 43, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 11. Theo đó, gói 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho chủ đầu tư có các dự án nhà ở xã hội và gói 15.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%. Hai gói hỗ trợ này có thể giúp người lao động tiếp cận, vay để mua nhà ở xã hội.
Trả lời về nội dung liên quan Luật Nhà ở sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng sau đó cũng cho hay một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo luật đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.
Theo ông Tùng, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội - đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần bố trí quỹ đất phù hợp cho công nhân thu nhập thấp. Có chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… Người lao động được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận nhà ở xã hội.
Đối với nhà lưu trú cho công nhân, ông nói đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Trong đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp…
Ông Tùng cho biết thêm hiện Ủy ban Pháp luật đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua luật này ở kỳ họp thứ 6.
Chất lượng bữa ăn giữa ca còn thấp
Anh Đinh Xuân Đức, công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng (Khánh Hòa), cho rằng bữa ăn giữa ca của người lao động Việt Nam rất quan trọng, không như nhiều nước có thể chỉ là ăn nhanh chiếc bánh mì kẹp thịt.
Nếu người lao động được ăn giữa ca đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca cho người lao động. Do đó, chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp. Anh đề nghị bổ sung quy định cụ thể trong luật về nội dung này.
Trả lời vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ chia sẻ với ý kiến này. Kiến nghị đưa bữa ăn giữa ca vào Bộ luật Lao động là chính đáng để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Bà Thúy Anh nói Bộ luật Lao động năm 2000 được sửa đổi năm 2009 có quy định về đối thoại tại nơi làm việc về nội dung hai bên quan tâm. Do đó, bà đề nghị với nội dung bữa ăn giữa ca người lao động quan tâm, công đoàn có thể đối thoại tại nơi làm việc với chủ sử dụng lao động.
Thêm vào đó, có quy định về thương lượng tập thể và nhiều công đoàn đã thực hiện việc này nên bữa ăn giữa ca đã được cải thiện rất nhiều. Do đó, bà đề nghị công đoàn thời gian tới hướng dẫn công đoàn cơ sở đưa nội dung này vào thương lượng tập thể.
Về quy định vào trong luật, bà Thúy Anh nêu sẽ nghiên cứu trong quá trình xem xét, sửa đổi luật.
"Sửa đổi luật phải đánh giá tình hình thực tiễn. Thực tiễn sinh động của công đoàn sẽ là nguồn quan trọng giúp cơ quan soạn thảo, giám sát hoàn thiện về quy định này trong tương lai", bà Thúy Anh nêu.
Tháng 8, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trong tháng 8, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Ngày 12-8, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm định. Trước đó, Chính phủ đã họp cho ý kiến về dự án luật này với tinh thần chung là tiếp thu kết luận Chủ tịch Quốc hội ở phiên chất vấn, tập trung chỉnh sửa những vấn đề bất cập theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội linh hoạt, hiện đại, tăng quyền lợi cho người lao động, chứ không hạn chế quyền lợi của người lao động.
Theo hướng đó, ông cho rằng cần tập trung 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung theo tinh thần của nghị quyết 28.
Cụ thể, thứ nhất, làm sao để hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội vì bảo hiểm xã hội là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội.
Thứ hai, phải đảm bảo cho người lao động khi cần thiết thực sự thì họ có quyền được hưởng.
Thứ ba, đảm bảo người lao động có thể không cần rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại.
Ông Dung cũng nhấn mạnh việc tập trung làm sao để khắc phục việc chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng bảo hiểm xã hội. Ở đây có ba đối tượng khác nhau là chậm, trốn, và nợ đóng bảo hiểm.
Với hơn 200.000 lao động bị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, ông Dung cho biết đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm xử lý, khoanh lại để tập trung xử lý.
Với nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, ông Dung cho biết bộ xác định bảo hiểm xã hội là "bà đỡ" cho thị trường lao động. Hiện nay kết dư của quỹ đang ở mức an toàn. Trước đó quỹ bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 100.000 tỉ đồng và đã được sử dụng 41.000 tỉ đồng trực tiếp hỗ trợ người lao động. Hiện tại kết dư chỉ ở mức an toàn, không còn nhiều.
Nhận diện doanh nghiệp có khả năng trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh làm rõ thông tin về về tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, số đối tượng nợ chậm đóng so sánh từ 2016 là 6%, đến năm 2022 giảm 2,91% trên tổng thu bảo hiểm xã hội/năm.
Ông Mạnh bày tỏ rất chia sẻ với tình hình nợ đóng bảo hiểm xã hội với người lao động và ngành rất trăn trở về vấn đề này.
Ông Mạnh cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp. Trên cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành, phân tích rủi ro, nhận diện doanh nghiệp có khả năng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng ứng dụng VssID-BHXH số. Đến nay, trong ứng dụng này đã thông báo tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên của tất cả doanh nghiệp, người lao động có thể theo dõi.
Trên cơ sở đó, cùng với tổ chức công đoàn, bảo hiểm xã hội đôn đốc doanh nghiệp đóng cho người lao động. Thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh thành, cơ bản là chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tăng cường kiểm tra, tính riêng năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu hồi được 3.200 tỉ đồng cho người lao động; tỉ lệ trước và sau thanh tra là 93%.
Ngoài ra, cơ quan này đã sử dụng các biện pháp khác như công khai nợ, chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan công an để xem xét khởi tố theo quy định. Căn cơ là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cần đưa vào các biện pháp mạnh để doanh nghiệp chấp hành như cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh…
Giao Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo nghị quyết 27 của trung ương năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
Ông nói Quốc hội đã nhiều lần có nghị quyết về vấn đề này, gần đây nhất là nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương bao gồm khu vực công và khu vực tư tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực.
Khi chưa cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân, chỉ số lạm phát… Đồng thời, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi tiền lương là thu nhập của người lao động, là chi phí của doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Huệ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban xã hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát.
Về việc giảm giờ làm, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là mục tiêu phấn đấu dài hạn của Việt Nam. Các bộ ngành chức năng sẽ trả lời cụ thể về vấn đề này.
Trả lời vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết việc khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động là không mới. Bà nói Bộ luật Lao động trước đây đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ là khuyến khích chủ sử dụng lao động áp dụng. Đây là trăn trở của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan quản lý lao động cũng như Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Bà bày tỏ hoan nghênh các công đoàn cơ sở thông qua thỏa ước lao động tập thể đã ký kết với người sử dụng lao động, giảm thời gian lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần.
Bà đề nghị Công đoàn tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc giảm thời gian làm việc trong tuần của người lao động. Theo bà Thúy Anh, công đoàn cần quan tâm hơn nữa về vấn đề thời giờ làm việc của người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay phấn đấu đến 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm khá; dự kiến lựa chọn 3 khâu đột phá liên quan nhiều đến công nhân.
Trong đó, thứ nhất, tạo thị trường lao động ổn định, trọng tâm là sinh kế và việc làm bền vững.
Thứ hai, tập trung vào những thiết chế tối thiểu về y tế, giáo dục.
Thứ ba, tập trung phát triển hệ thống nhà ở. Năm 2025, phấn đấu xóa khoảng 100.000 căn nhà cho người nghèo; năm 2030, phấn đấu giải tỏa khu nhà tạm khu vực nông thôn. Tập trung hỗ trợ xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân.
Về vấn đề cải cách tiền lương, theo ông Dung, trong 3 năm dịch COVID-19, khu vực công nhân, viên chức không được tăng lương nhưng đối tượng là công nhân, người lao động vẫn được tăng lương tối thiểu vùng. Hai đối tượng được điều chỉnh trợ cấp xã hội là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
Bên cạnh đó, ông nói từ 1-7, tất cả đối tượng liên quan đã đều được điều chỉnh. Ngày 8-8, ông Dung cho hay bộ sẽ họp Hội đồng tiền lương quốc gia cùng với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… để tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2023 hay không?
Nếu điều chỉnh sẽ điều chỉnh thế nào? Việc này, ông Dung nói sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau một buổi chiều làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, trao đổi thẳng thắn, xây dựng, Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
Ông nói các ý kiến của đoàn viên, người lao động đã phản ánh đúng thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động cả nước và những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật.
Ông nêu rõ tại diễn đàn hôm nay, các câu hỏi, ý kiến, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, công nhân, người lao động đã cơ bản được đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành trả lời. Đối với những vấn đề bức xúc, bất cập mà cử tri vừa nêu nhưng chưa được giải đáp, đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tiếp thu và khẩn trương giải quyết.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại diễn đàn, tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nội dung kiến nghị về quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động.
Bên cạnh đó, một số đề xuất, kiến nghị đã thuộc chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ XV. Đối với một số vấn đề khác chưa có trong chương trình, đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ nghiên cứu, nếu cần điều chỉnh, đề xuất để Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước.
Ông nói thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác như phụ cấp trách nhiệm, tùy theo từng đối tượng.
Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, theo ông Sơn, trong dịch COVID-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên họ. Bộ đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Hai bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, bộ cũng đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này.
Ông lưu ý hiện nay cả nước có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận