Chiều 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).
Quy định rõ các chính sách về bảo hiểm xã hội cho cán bộ quản lý, nhân viên hợp tác xã
Góp ý vào một số chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự quan tâm đến chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm.
Đối với chính sách tiếp cận vốn, theo ông Huệ, dự thảo cần quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất...
Đồng thời, quy định hợp tác xã và tổ hợp tác được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng để đảm bảo an toàn cho số vốn cần vay.
Cạnh đó rà soát quy định việc hợp tác xã được dùng tài sản hình thành từ đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến… làm tài sản thế chấp để vay vốn.
Về chính sách bảo hiểm, ông Huệ đề nghị nghiên cứu quy định trong nghị định về bảo hiểm nông nghiệp thí điểm để lấy một số quy định đưa vào luật, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm ngư nghiệp, bảo đảm cho giá trị pháp lý cao hơn cho bảo hiểm trong lĩnh vực này.
Về bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ qua tổng kết hoạt động hợp tác xã nhiều năm cho thấy nguyện vọng thiết tha của cán bộ quản lý hợp tác xã, nhân viên hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu.
Đây cũng chính là chính sách trong nghị quyết 28 của trung ương. Do đó, cần quy định trường hợp nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quy định cách thức thành viên, người lao động làm việc thường xuyên, có nhận tiền công, tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Rà soát nợ cũ để xóa, tạo điều kiện giải thể các doanh nghiệp kiểu cũ
Về tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định trong luật trách nhiệm của giám đốc và tổng giám đốc trong hoạt động mua chung, bán chung các sản phẩm vật tư giống, phân bón, tức là cả đầu vào, đầu ra.
Chủ tịch Quốc hội đồng ý với quy định về tổ chức điều hành nhưng cho rằng cần nhấn mạnh việc phải chịu trách nhiệm trong các hoạt động mua chung, bán chung để thành viên hợp tác xã thấy lợi ích cụ thể và thiết thực.
Nêu rõ hoạt động mua chung, bán chung là cốt tử của hợp tác xã, là tính ưu việt của hợp tác xã, ông đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vấn đề này trong luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tán thành với đề xuất quy định việc xóa nợ khê đọng cho các hợp tác xã. Thực tế có những hợp tác xã “chết” từ lâu nhưng không thể nào cho “chết” trên pháp lý được, vì còn vướng nợ.
"Khi là sinh viên năm thứ hai tôi đã đi làm ở hợp tác xã một lần và nhớ mãi. Nợ khê đọng là nợ không thể đòi được, rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau cứ treo mãi mà không thể bỏ ra được", ông Huệ nêu.
Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ rà soát xem có bao nhiêu khoản nợ nữa, cho xóa để tạo điều kiện giải thể, chấm dứt hoạt động những doanh nghiệp kiểu cũ hoặc những doanh nghiệp yếu kém. Từ đó mở đường cho doanh nghiệp kiểu mới hoạt động.
Ông Huệ chia sẻ thêm đây là nội dung mới, các cơ quan nghiên cứu bổ sung thêm chính sách xem xét để xóa nợ chỗ đọng để trình vào thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, bởi đây là nội dung vướng nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận