Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 9-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
Ông Huệ nói đây là chuyên đề quan trọng, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Đoàn giám sát đã có kế hoạch tổ chức chu đáo, huy động cả HĐND, đại biểu Quốc hội các địa phương để tiến hành giám sát ở nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương.
Dự kiến chuyên đề giám sát sẽ báo cáo Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10-2022.
Để đẩy nhanh tiến độ, báo cáo đạt chất lượng, Chủ tịch Quốc hội nói phiên họp này, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến bước đầu và báo cáo chính thức sẽ được xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 9.
Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc giải ngân giao vốn là khâu trọng điểm để thực hiện tiến độ đầu tư công. Từ tháng 1 đến nay đã 7 tháng, Chính phủ đã trình đợt 3 song khối lượng vốn còn khá lớn.
Do đó ông Huệ đề nghị các bộ, đại diện Chính phủ báo cáo kỹ lưỡng việc này, đặt câu hỏi vì sao việc giao vốn chậm, phải chăng là vướng mắc từ khâu chuẩn bị đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một nội dung quan trọng khác Chính phủ chưa báo cáo là danh mục dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần thúc giục nhưng đến nay vẫn chưa có danh mục giao vốn.
Trong quá trình thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Chính phủ, Quốc hội đưa ra giải pháp thực hiện đúng tiến độ gói kích thích kinh tế với gần 350.000 tỉ đồng.
Phiên họp này cũng sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự thảo nghị quyết.
Xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày (10-8) chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an và nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
"Với tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động này, Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội đã họp trù bị với hai bộ trưởng, các trưởng ngành có liên quan đảm bảo chuẩn bị tốt nhất cho phiên chất vấn, đáp ứng mong đợi của cử tri", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm ngoài phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bố trí thêm 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 8 và tháng 9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận