Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ, nói chuyện và tặng quà các thương binh nặng chiều tối 24-7 - Ảnh: TRÍ TÂM
Trong gần một giờ, Chủ tịch Quốc hội đã gặp gỡ từng thương binh, lắng nghe tâm tư tình cảm và nguyện vọng của những "liệt sĩ sống".
Các cho rằng đất nước sau chiến tranh còn khó khăn, họ là những người lính may mắn được trở về dù có mất mát một phần xương máu, bởi đất nước tổn thất quá lớn, nhiều gia đình mất đi người thân.
Vì thế, dù là thương binh, đều mất sức lao động đến 81% trở lên nhưng tất cả vẫn xác định "tàn nhưng không phế". Hầu hết thương binh có mặt trong buổi gặp đều là những thương binh nặng, nhưng "khó khăn đến mấy cũng xác định vươn lên, cùng đất nước làm giàu".
Đề đạt nguyện vọng với Chủ tịch Quốc hội, các thương binh đều mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm, có những chính sách hỗ trợ thương binh nặng và cả con, cháu họ, nhất là những người bị ảnh hưởng chất độc dioxin…
Phát biểu với các thương binh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hôm nay là một ngày đặc biệt, sự kiện Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ tổ chức gặp mặt 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc cũng rất đặc biệt, dù năm nay chỉ là năm lẻ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mọi sự mất mát, hi sinh của thương binh liệt sĩ là vô giá, trợ cấp nhà nước chỉ bù đắp, hỗ trợ một phần nào gọi là xoa dịu nỗi đau, chứ chưa phải là chính sách thỏa đáng.
"Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt quan tâm, nên từ trước đến nay dù kinh tế có khó khăn, thu ngân sách không đạt kế hoạch, Nhà nước vẫn trích đủ tiền chăm lo cho thương binh, gia đình chính sách theo quy định", bà Ngân cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các thương binh nặng - Ảnh: TRÍ TÂM
Theo bà Ngân, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, nhất quán với quan điểm của Bác Hồ, của Đảng ta.
Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi được từng bước nâng cao gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và luôn là chính sách ưu đãi nhất và bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, được xã hội đồng thuận cao.
Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể.
500 đại biểu thương binh nặng dự Hội nghị biểu dương thương binh nặng toàn quốc vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: TRÍ TÂM
Cũng trong chiều 24-7, tại Phủ Chủ tịch, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp gỡ 43 nữ thương binh nặng dự Hội nghị biểu dương 500 thương binh nặng tiêu biểu.
Trước đó, sáng cùng ngày, 500 đại biểu thương binh nặng đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sáng mai 25-7, chương trình gặp mặt, biểu dương, vinh danh 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự, phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận