Xem xét kỹ các nội dung còn 2 phương án trong dự án luật
Sáng 23-10, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023.
Xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 1-7-2024.
Xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026...
Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, ước thực hiện cả năm 2023, các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, ông Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra...
Từ đó phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc bất cập, nguyên nhân. Đồng thời đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất của năm 2023...
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật.
Về dự án Luật Đất đai sửa đổi, ông Huệ cho hay về cơ bản đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể.
Tuy nhiên, hiện dự luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 2 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của dự luật khi được Quốc hội thông qua.
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ông đề nghị tập trung bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của các chính sách về huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhà ở.
Tháo gỡ vướng mắc, xử lý bất cập trong thực tiễn về quản lý nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ; cải tạo, xây dựng nhà chung cư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; khắc phục tình trạng đầu cơ; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản...
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Huệ nói đây là dự án luật khó, đề nghị bám sát quan điểm, các yêu cầu, các chính sách lớn đã đặt ra khi xây dựng dự án luật. Cho ý kiến về việc xử lý vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng; quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu...
Chất vấn, trả lời chất vấn trong 2,5 ngày
Việc chất vấn, trả lời chất vấn của kỳ họp này sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày, tập trung vào thực hiện các lời hứa, cam kết và yêu cầu của Quốc hội đối với Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước...
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
"Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước. Đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh...", ông Huệ nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận