Trưa 29-6, Quốc hội đã họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi.
Theo chương trình, nội dung của kỳ họp, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng từng nội dung của kỳ họp.
Nhờ vậy dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Với tỉ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật, thông qua 21 nghị quyết. Trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được kỳ họp thông qua.
Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể nhân dân.
Góp phần đáp ứng với sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2024).
Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Nghị quyết kỳ họp thứ 7 nêu rõ tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 21 nghị quyết. Trong đó có nhiều nghị quyết liên quan công tác nhân sự, gồm:
Nghị quyết bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 với ông Tô Lâm; nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 với ông Trần Thanh Mẫn; nghị quyết bầu Phó chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 với bà Nguyễn Thị Thanh.
Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm bộ truởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ với ông Lê Thành Long và bộ truởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 với ông Lương Tam Quang.
Quốc hội cũng thông qua 2 nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nuớc về ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Nghị quyết bầu ủy viên Ủy ban Thuờng vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận