Buổi tiếp xúc cử tri còn được trực tuyến đến các điểm cầu tại huyện Châu Thành A, Châu Thành và TP Ngã Bảy, mỗi điểm cầu có 120 cử tri tham dự.
Báo cáo với cử tri, bà Lê Thị Thanh Lam - phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang - cho biết kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác, đồng thời tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Cử tri Nguyễn Thanh Điền bày tỏ vui mừng khi đại biểu Quốc hội bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội là người con của tỉnh Hậu Giang.
“Đây là danh dự, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, mong muốn của người dân khi ở vị trí mới ông quan tâm nhiều hơn nữa cho Hậu Giang”, cử tri Điền gửi gắm và nêu ý kiến điện là hàng hóa nhà nước độc quyền sản xuất, quản lý, phân phối, và giá điện ảnh hưởng đến chi phí của tất cả các mặt hàng khác.
“Tại sao giá điện hằng năm đều tăng, mà ngành điện vẫn lỗ? Quốc hội có kế hoạch gì để ổn định giá điện và bỏ cách tính tiền điện như hiện nay?”, ông Điền đặt vấn đề.
Ngoài ra nhiều cử tri nêu vấn đề hiện nay đời sống đội ngũ nhân viên trường học rất khó khăn vì họ không có phụ cấp lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Nhiều người không bám trụ được với nghề.
Trả lời ý kiến cử tri về giá điện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết vấn đề cử tri quan tâm đã được Quốc hội quan tâm giám sát trong thời gian vừa qua. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ quyền hạn nghiên cứu điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên liệu, tỉ giá.
Sớm luật hóa điều chỉnh giá bán lẻ điện theo tinh thần xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình với ý kiến cử tri về đời sống của giáo viên khi có mức lương thấp mà phải kiêm nhiệm nhiều công việc.
Ông Mẫn cho biết ngay từ hôm nay 1-7, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, tăng 30%; điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%; trợ cấp ưu đãi cho người có công tăng 35,7%; trợ cấp xã hội tăng 38,9%.
Mức lương cơ sở tăng cao nhất 20 năm qua từ khi cải cách tiền lương năm 2004 đến nay với tổng nhu cầu cải cách tiền lương 913.000 tỉ đồng giai đoạn 2024-2026.
“Hiện nay chúng ta đã có sẵn tiền trong kho bạc 680.000 tỉ đồng, còn thiếu hụt một khoản xem như là thu vượt của năm 2024 và năm 2025. Các khoản khác thì vấn đề điều chỉnh lương và tăng lương đảm bảo nguồn chi”, ông Mẫn cho biết.
Dịp này Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tặng 20 phần quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và gia đình có công với cách mạng, đồng thời chứng kiến trao biển tượng trưng tặng 100 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Hậu Giang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận