Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào chiều 24-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 23 ngày làm việc, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, gồm 6 luật đã cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4.
Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, có nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM...
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Huệ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Ông đánh giá, những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định. Thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, do tác động không thuận lợi của bối cảnh, tình hình địa chính trị, kinh tế, tài chính thế giới và các hạn chế, yếu kém đang tích tụ của kinh tế trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự vững chắc.
Tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 đã đề ra.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thời gian tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các chủ trương nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu đã được đề ra.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công chức, công vụ.
Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức.
Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc trong công tác đăng kiểm.
Có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống.
Tháo gỡ triệt để, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế. Tăng cường củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…
Xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc trong các luật, văn bản hướng dẫn…, báo cáo kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận