21/05/2020 15:05 GMT+7

Chủ tịch Quảng Ninh nói gì khi kiêm nhiệm hiệu trưởng ĐH Hạ Long?

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết việc kiêm nhiệm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long là để thực hiện nhiệm vụ tiếp tục xây dựng hạ tầng, kiện toàn trường này theo mục tiêu và yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra.

Chủ tịch Quảng Ninh nói gì khi kiêm nhiệm hiệu trưởng ĐH Hạ Long? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Cổng thông tin Quảng Ninh

Ngày 21-5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng có những trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh chuyện ông được phân công kiêm nhiệm hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long (ngôi trường trực thuộc UBND tỉnh).

Theo ông Thắng, Trường ĐH Hạ Long là một trường có tuổi đời non trẻ song đã có những bước đi vững chắc trong việc đào tạo bộ máy và công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực phía Bắc và là một đô thị đại học trong tương lai thì trường còn rất nhiều việc phải làm.

Tỉnh xác định nguồn lực trong giai đoạn này để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định mô hình hoạt động nên tỉnh xác định người lãnh đạo quản lý nhà trường không chỉ đơn thuần là người quản lý mà còn phải là người có kinh nghiệm trong triển khai các dự án.

Ngay trong giai đoạn đầu thành lập trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tính đến chuyện phải một đồng chí lãnh đạo trong thường trực UBND tỉnh trực tiếp làm hiệu trưởng.

Ông Thắng cho biết trước đây bà Vũ Thị Thu Thủy - phó chủ tịch UBND tỉnh - phụ trách đúng mảng này nên được phân công kiêm nhiệm làm hiệu trưởng và trong quá trình kiêm nhiệm cho đến giờ phút này cho thấy các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là rất chính xác.

"Từ một trường mới hoạt động được khoảng 5 năm mà đã đạt con số hàng chục ngàn sinh viên là rất nỗ lực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như mình đặt ra thì chưa đến, từ chuyện cơ sở vật chất cùng đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn là chưa đủ so với mục tiêu đặt ra.

Chính vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận rất kỹ và xác định thời điểm này vẫn cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh để tiếp tục xây dựng nhà trường hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ giảng viên..., khi đó thì bàn giao cho một người chuyên môn sẽ tốt hơn" - ông Thắng cho hay.

Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, thường trực UBND tỉnh đã họp và cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp, quyết định chọn trong những lãnh đạo UBND tỉnh khi đối chiếu các điều kiện, tiêu chuẩn thì có duy nhất chủ tịch UBND tỉnh là đủ điều kiện tiêu chuẩn.

Chủ tịch Quảng Ninh nói gì khi kiêm nhiệm hiệu trưởng ĐH Hạ Long? - Ảnh 2.

Trường ĐH Hạ Long hiện vẫn trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ, giảng viên - Ảnh: T. THẮNG

Cũng theo ông Thắng, hiện nay tỉnh đang bàn để kiện toàn phó chủ tỉnh UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn xã và trong trường hợp kiện toàn được lãnh đạo này và người đó có đủ các điều kiện, đặc biệt là có học vị tiến sĩ thì lúc đó ông sẽ chuyển giao cho phó chủ tịch đó kiêm nhiệm.

"Thực tế đã 4 tháng nay Trường ĐH Hạ Long không có hiệu trưởng và đang có đà bị chững lại nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phân công tôi kiêm nhiệm hiệu trưởng chứ không phải từ cá nhân tôi đặt ra. Tôi hiện nay kiêm nhiệm nhưng lương không tăng bởi trường vẫn đang trong giai đoạn bao cấp" - ông Thắng cho biết thêm.

Theo ông Thắng, để khắc phục khó khăn và đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì hiện nay trong thời gian một tuần ông phải dành cho Trường ĐH Hạ Long ít nhất một ngày để kịp thời nắm bắt, quán xuyến chỉ đạo công việc.

"Cái khó là giờ mình bảo không làm cũng không được, không làm thì trường không có hiệu trưởng, vậy nên dù mình có làm ít hay làm nhiều thì cũng còn hơn là để trường không có hiệu trưởng" - ông Thắng nói thêm.

Nói về lý do tỉnh lại không tuyển chọn hay tổ chức thi tuyển lựa hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, ông Thắng cho biết chưa thể thực hiện được việc tuyển chọn bên ngoài bởi những người tuyển chọn bên ngoài thì người ta chỉ đơn thuần là quản lý giáo dục nghề nghiệp, tổ chức thực hiện. 

Trong khi trường hiện nay vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, toàn bộ là bao cấp, chưa tự chủ được nên phải đến khi nào trường tự chủ thì lúc đó UBND tỉnh mới có thể "buông tay" được.

"Bây giờ không có lãnh đạo tỉnh trực tiếp xắn tay vào quản lý, điều hành sợ rằng sẽ trôi và mất đà xây dựng thương hiệu trong suốt những năm qua. Quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường thời gian qua cũng đã cho thấy quyết định đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi giao trách nhiệm cho thường trực UBND tỉnh phải có người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Đến khi đã đầy đủ các điều kiện từ cơ sở vật chất, con người thì lúc đó sẽ chỉ việc vận hành" - ông Thắng nêu vấn đề.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh trong trường hợp kiện toàn được lãnh đạo phụ trách mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẵn sàng chuyển giao bởi trong giai đoạn này ở tỉnh ông không làm thì không còn ai khác làm.

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, quê Hà Nội, là tiến sĩ kinh tế ngành tài chính lưu thông tiền tệ. Ông là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIV, phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học: Khó khả thi Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học: Khó khả thi

TTO - Đó là ý kiến của TS Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo - về trường hợp ông Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên