14/05/2022 12:04 GMT+7

Chủ tịch Phan Văn Mãi: 'TP.HCM sẽ xây dựng các nhà lưu trú công nhân để bà con an cư'

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG

TTO - Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè, quận 7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo các sở ngành, đại biểu Quốc hội đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về đất đai, thị trường bất động sản, dự án chống ngập, nhà ở công nhân...

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ xây dựng các nhà lưu trú công nhân để bà con an cư - Ảnh 1.

Hội nghị tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 9 và cử tri huyện Nhà Bè, quận 7 - Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 14-5, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị bầu cử số 9 gồm ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM, thiếu tướng Dương Văn Thăng - phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè và quận 7.

Nhiều kiến nghị về dự án chống ngập, nhà ở xã hội

Đưa ý kiến tại hội nghị, cử tri Tăng Văn Thông (huyện Nhà Bè) nói trên địa bàn huyện có nhiều đoạn ngập sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, làm hư hỏng mặt đường và gây ô nhiễm môi trường. Mùa mưa sắp đến, tình trạng ngập càng trầm trọng hơn.

Hiện dự án chống ngập do triều cường đình trệ khá lâu dù đã thi công trên 90% các hạng mục và hoàn thành giải phóng mặt bằng. Do đó, đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị TP tháo gỡ khó khăn cho dự án này, đưa các cống ngăn triều vận hành trong thời gian sớm nhất.

Là công nhân với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng, cử tri Phạm Thị Mai Thảo (quận 7) cho biết với mức lương này gia đình bà không đủ chi tiêu, lo cho con học đại học, không thể mua nổi nhà và đề nghị TP.HCM tiếp tục dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội, xây chung cư có diện tích đủ cho 4 hoặc 3 người ở. Sau đó cho bán giá rẻ, bán trả góp và mở rộng đối tượng được vay vốn nhà ở xã hội.

Trả lời ý kiến cử tri tại hội nghị, ông Đặng Phú Thành - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết giai đoạn 2016-2020, TP đã thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội với 15.000 căn. Trong giai đoạn 2021-2025, TP đặt mục tiêu thực hiện 47 dự án với 35.000 căn. 

Về nhà lưu trú công nhân, giai đoạn 2016-2020, TP đã hoàn thành 4,7ha với 4.600 căn phục vụ công nhân. Năm 2021-2025, TP sẽ triển khai 6 dự án với khoảng 28.000 chỗ ở. Trong tháng 4, TP đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và sẽ phối hợp các địa phương tham mưu UBND TP tháo gỡ các vướng mắc để triển khai hoàn thành. 

Dự kiến năm 2022, TP phấn đấu khởi công thêm 12 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.

Về dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết TP có quyết định điều chỉnh, kéo dài dự án đến năm 2023. Hiện dự án đã hoàn thành 90% tiến độ. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ xây dựng các nhà lưu trú công nhân để bà con an cư - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đặng Phú Thành trả lời ý kiến cử tri - Ảnh: THẢO LÊ

"Đừng để chưa lên quận giá đất đã tăng gấp mấy lần"

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết về nhà ở xã hội, TP.HCM đang rất tập trung thực hiện để bà con có điều kiện "an cư lạc nghiệp". TP đã xin ý kiến Bộ Xây dựng có thêm nhiều dự án nhà ở hơn nữa, trong đó chú trọng nhà lưu trú công nhân.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng có chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ lãi vay cho người dân để hỗ trợ người dân mua nhà hoặc sửa nhà.

Về vấn đề đất đai, vừa qua các sở ngành và UBND TP đã rất nỗ lực tháo gỡ các chính sách về đất đai, xây dựng để các dự án, chung cư được cấp sổ. Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh hơn nữa vấn đề này.

Về việc sửa đổi Luật đất đai, vừa rồi Hội nghị Trung ương 5 đã có chủ trương lớn để nâng cao việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Đoàn đại biểu TP cũng đã góp nhiều ý kiến về vấn đề này. Sau hội nghị này, các cơ quan tập trung bàn thảo việc sửa đổi Luật đất đai. 

Tuy nhiên, ông Mãi cho biết đây là vấn đề rất lớn, phức tạp, có thể được bàn bạc qua 3 kỳ họp Quốc hội. Nếu tiến độ tốt có thể sẽ thông qua vào cuối năm 2023. Thị trường bất động sản cũng sẽ rà soát các quy định pháp luật để có thị trường minh bạch, hiệu quả, quản lý tốt.

Về đề án chuyển huyện lên quận, hoặc TP trực thuộc, hiện UBND TP đã chỉ đạo hoàn thiện, có thể thông quan vào giữa năm. TP xây dựng đề án hướng tới sự phát triển của TP trong tương lai với các kế hoạch và giải pháp cụ thể, vì vậy các địa phương tập trung tuyên truyền cho bà con có nhận thức đúng.

"Đừng để huyện chưa lên quận đất đã lên gấp mấy lần. Sau này sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi đất để xây dựng các công trình phục vụ người dân", ông Mãi nói.

TP.HCM quản lý việc thổi giá đất như thế nào?

IMG_6791

Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại buổi tiếp xúc - Ảnh: THẢO LÊ

Tại hội nghị, cử tri cũng có ý kiến về việc tình trạng bong bóng đất động sản, nhiều "đại gia" dùng thủ đoạn để gây nhiễu loạn thị trường và đề nghị cần sớm sửa đổi Luật đất đai và có biện pháp ngăn chặn những tiêu cực.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết hiện TP có những quy định để quản lý chặt chẽ tránh hiện tượng thổi giá đất. Cụ thể kiểm soát bằng kế hoạch sử dụng đất hằng năm được TP phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề nghị đăng công khai kế hoạch sử dụng đất của các quận huyện trên các trang thông tin và niêm yết tại các khu dân cư, bà con nên theo dõi để kiểm soát.

Ngoài ra, TP cũng có công cụ quản lý giá cả, bên cạnh pháp lý cần có bảng giá đất và hệ số điều chỉnh việc thu hồi đất. Đây cũng là cơ sở để bà con xem xét, không để việc đẩy giá đất với thực tế.

Về cấp sổ hồng cho dự án chung cư, UBND TP.HCM có giao Sở Tài nguyên và môi trường giải quyết dứt điểm 50.000 căn còn tồn đọng giai đoạn 2022-2025.

Nhà lưu trú cho công nhân: 'muối bỏ bể' Nhà lưu trú cho công nhân: "muối bỏ bể"

TTO - Tại TP.HCM, theo dự báo đến năm 2015, số lượng công nhân (CN) trong các KCX-KCN tăng 500.000 người, trong đó số CN có nhu cầu về nhà ở khoảng 40%.


THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên