15/02/2022 18:59 GMT+7

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nghiên cứu phương thức số để chính quyền giao tiếp với dân

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Lấy ví dụ chương trình "Dân hỏi - TP trả lời", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thiết lập phương thức số để chính quyền giao tiếp nhanh chóng với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, chính quyền cũng có kênh để lắng nghe ý kiến người dân.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nghiên cứu phương thức số để chính quyền giao tiếp với dân - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm việc với Sở Nội vụ TP - Ảnh: THẢO LÊ

Chiều 15-2, đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn đầu đã làm việc với Sở Nội vụ TP để phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Về chương trình công tác năm 2022, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP triển khai thực hiện chương trình đột phá mới quản lý TP.HCM. Trong đó, tập trung vào 5 đề án, chương trình theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI.

Đó là đề án tổ chức chính quyền đô thị; đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 - 2030; đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Sở Nội vụ đề ra hơn 80 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị năm 2022, một trong những nhiệm vụ mà Sở Nội vụ cần tập trung là cải cách hành chính. Trong đó, ông Mãi yêu cầu có cách thức cụ thể, phân tích đưa ra các nguyên nhân với quyết tâm cải thiện chỉ số PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). 

Đồng thời giám sát việc cải thiện chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Ông Mãi cũng đề nghị nghiên cứu thiết lập một phương thức số để chính quyền giao tiếp với người dân và doanh nghiệp.

"Chính quyền muốn gửi thông tin gì đó cho nhân dân qua mạng xã hội, các phương tiện mà người dân có thể nhận được ngay. Qua đó, chính quyền cũng có kênh để lắng nghe ý kiến của người dân như vừa rồi chúng ta làm 'Dân hỏi - Thành phố trả lời' chính là một phương thức giao tiếp. Việc này cũng gắn với việc triển khai thực hiện chủ đề năm", ông Mãi nói.

Nói về công tác tổ chức biên chế, Chủ tịch UBND TP nhắc đến đề án chuyển giao trung tâm y tế về quận huyện quản lý, củng cố hệ thống y tế cơ sở. Ông Mãi cho rằng việc này không chỉ là chính sách thu hút nguồn lực mà còn để trạm y tế hoạt động có hiệu quả. Cần có mô hình, cơ chế để trạm y tế hoạt động được trong mọi tình huống để phục vụ người dân.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cho biết TP có những quận, huyện có hơn 1 triệu dân. Vừa qua TP có đặt vấn đề tổ chức biên chế ở các xã phường đông dân nhưng phải cũng phải nói đến những quận, huyện đông dân.

"Không phải cứ theo quy mô dân số mà tăng biên chế, phải có đề án tổ chức hoạt động. Không phải phường này hơn phường kia 5.000 dân thì phải tăng biên chế. Phải tổ chức lại công việc, con người, phương thức hoạt động. Trong đó, quan tâm nhiều hơn đến phương thức hoạt động, tăng cường công nghệ thông tin để phục vụ", ông Mãi nói.

Về xây dựng chính quyền đô thị, ông Mãi đề nghị Sở Nội vụ chủ trì, nêu vấn đề bất cập, phối hợp với các cơ quan tham mưu UBND TP chỉ đạo các ngành liên quan tham gia triển khai các nghị quyết.

Ông Mãi cũng nhắc TP Thủ Đức phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù thì mới vận hành được.

"Đây là thành phố trong thành phố thì phải có những khía cạnh nào đó, TP Thủ Đức phải có phương thức vận hành như TP.HCM. Vừa qua, có ý kiến đặt vấn đề TP Thủ Đức phải có cơ chế đặc thù và vượt trội. Người ta đề nghị lấy cơ chế cấp tỉnh ứng dụng cho TP Thủ Đức. Nếu chúng ta không giải quyết mối quan hệ này cho tốt thì cơ chế TP Thủ Đức sẽ bị đụng với TP.HCM. Phải tập trung nghiên cứu", ông Mãi nói.

Giữ nguyên biên chế chính là tinh giản khi TP tăng nhanh dân số

IMG_5441

Ông Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - phát biểu - Ảnh: THẢO LÊ

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - lưu ý năm 2021, Bộ Chính trị đã có kết luận 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nếu Sở Nội vụ tham mưu cho TP triển khai nội dung này trong các phong trào thi đua yêu nước thì sẽ giải quyết được các tắc nghẽn hiện nay.

Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị tiếp tục đẩy mạnh đề án cơ cấu cán bộ công chức cho các phường xã đông dân trên địa bàn TP. Lồng ghép vào đó là đề án tăng biên chế cho y tế cơ sở cho các địa bàn đông dân; nâng cao chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp.

Về biên chế năm 2023, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng TP có dân số đông, hằng năm tăng 200.000 dân và 40.000 doanh nghiệp, nếu biên chế giảm thì không thể đáp ứng.

"Bộ máy phục vụ cho việc tăng dân số, giữ nguyên cán bộ đã là tinh giản biên chế so với tốc độ tăng của dân số. Việc này cần nêu để bảo vệ định biên của TP", ông Ngân đề nghị.

Đề xuất chính quyền TP Thủ Đức có thẩm quyền tương đương cấp tỉnh? Đề xuất chính quyền TP Thủ Đức có thẩm quyền tương đương cấp tỉnh?

TTO - Ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư Thành ủy TP Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng thành phố này có đủ dư địa, không gian, dân số, tính chất của hoạt động kinh tế xã hội, các thành phần để hoạt động mô hình chính quyền cấp tỉnh.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên