Chiều 31-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm và đề ra giải pháp phát triển tháng 6 và những tháng cuối năm.
Vấn đề được tập trung thảo luận tại phiên họp lần này là kết quả giải ngân vốn đầu tư công đang rất thấp. 5 tháng, TP chỉ giải ngân khoảng 10.895 tỉ đồng trong gần 80.000 tỉ đồng phải giải ngân trong năm 2024.
43 dự án không có khả năng giải ngân trong năm
Phân tích các chỉ số, ông Phạm Trung Kiên - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết TP đặt ra các mốc giải ngân cụ thể, đến hết quý 2 đạt 20,6% kế hoạch vốn, đến quý 3 là 54% và đến hết quý 4 là 93%.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân loại thành 4 nhóm dự án. Trong đó có 150 dự án với 25.460 tỉ đồng dù có khó khăn vướng mắc nhưng vẫn có thể giải ngân trong năm. 43 dự án với 3.108 tỉ đồng không có khả năng giải ngân trong năm.
Ngoài ra, dự án giải quyết ngập do triều với 6.814 tỉ đồng, chiếm 8,6% vốn vẫn còn vướng mắc liên quan thẩm quyền thuộc Chính phủ và các cơ quan trung ương.
Về công tác giải phóng mặt bằng, có 55 dự án đang vướng mắc và 41 dự án vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch…
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM - cho rằng cần tiếp tục đưa ra các đợt thi đua thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
"Nhưng đến nay khi hết các đợt thi đua thì công việc rất cầm chừng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM trong tháng 4, tháng 5 rất chậm. Mỗi tuần chỉ giải ngân khoảng 150 đến 180 tỉ đồng.
Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Phân tích thêm nguyên nhân, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - cho rằng hiện nay nhiều dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ban hiện quản lý hai dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi chiếm 69% vốn cũng gặp nhiều khó khăn.
Tại dự án rạch Xuyên Tâm, phần giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh với 5.400 tỉ hiện nay quận chưa phê duyệt phương án bồi thường. Dự án bờ bắc kênh Đôi với 2.700 tỉ đồng giải phóng mặt bằng hiện đang tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn chưa có kết quả.
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho rằng với các dự án giao thông cơ cấu giải ngân thường rơi vào quý 3, quý 4. Hiện ban đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ khởi công và thi công các dự án. Thời gian còn lại, bình quân mỗi tháng ban giải ngân 1.400 tỉ, hiện đã có kế hoạch cho từng dự án.
Bên cạnh đó, ban cũng tập trung làm việc với từng nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, trong trường hợp cần thiết sẽ xử lý một số nhà thầu theo yêu cầu của UBND TP.
Tháng 6 sẽ xử lý nhà thầu không có tiến triển
Phát biểu chỉ đạo về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị các sở ban ngành, đơn vị, chủ đầu tư, nhà thầu tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.
"TP.HCM cần tỉ lệ giải ngân thật, cần công trình hoàn thành, cần tiền đi vào nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng chứ không cần con số đẹp.
Tập trung làm với tinh thần trách nhiệm cao, phải có sự tự ái, phải làm chứ không cần ai đi kiểm tra, xử lý kỷ luật thì mới làm. Còn nếu không làm thì phải bị xử lý. Tháng 6 này TP sẽ đi kiểm tra và xử lý số dự án", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường làm việc với các nhà thầu, cam kết các giải pháp để đảm bảo tiến độ các dự án. Các chủ đầu tư cần rà soát lại dự án nào, nhà thầu nào không có tiến triển để xử lý.
Văn phòng UBND TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 6 sẽ đi kiểm tra các dự án, đánh giá trách nhiệm của từng đơn vị để xử lý cụ thể. Không xử lý để kéo dài tháng này qua tháng kia thì rất khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận