Ngày 5-11, Viện KSND tối cao đã họp báo về việc kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội giết người.
Phóng to |
Giây phút gia đình ông Chấn đoàn tụ trong nước mắt khiến những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ cũng phải mủi lòng - Ảnh: Xuân Long |
Ông Vũ Đăng Khoa, cục trưởng Cục Điều tra, Viện KSND tối cao, cho biết các nội dung liên quan đến vụ án “giết người, cướp tài sản” do nghi can Lý Nguyễn Chung gây ra, cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao sẽ chuyển toàn bộ sang Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.
Về phần Cục Điều tra, với chức trách theo quy định của pháp luật sẽ tiếp tục làm rõ phần xâm phạm hoạt động tư pháp và xử lý nếu có.
Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù Ngày 4-11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về vụ án này. Theo thông báo, Chủ tịch nước có ý kiến yêu cầu bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao chỉ đạo giải quyết đúng theo quy định của pháp luật; khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp của những người bị oan; điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết. |
Ông Nguyễn Việt Hùng, chánh văn phòng Viện KSND tối cao, cũng khẳng định sau này ai làm sai thì sẽ xử lý theo luật, sai thì phải bồi thường, vi phạm hình sự thì phải xử lý nhưng thời điểm này chưa có bản án của TAND tối cao nên chưa đặt ra vấn đề bồi thường.
“Nếu như có sự oan sai thì chắc chắn sẽ được bồi thường theo quy định của Luật bồi thường nhà nước theo trình tự quy định”, ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc tại sao Viện KSND tối cao kháng nghị bản án theo trình tự tái thẩm mà không phải là giám đốc thẩm, vì có một số ý kiến cho rằng tình tiết Lý Nguyễn Chung là người phạm tội không phải tình tiết mới và nếu kháng nghị giám đốc thẩm sẽ thể hiện rõ có sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng ở các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Yến, vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện KSND tối cao, khẳng định rằng căn cứ để kháng nghị tái thẩm rõ ràng.
Bà Yến khẳng định giám đốc thẩm và tái thẩm là thủ tục đặc biệt chỉ xem xét khi có dấu hiệu bản án đã có hiệu lực pháp luật có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có tình tiết mới thay đổi toàn bộ bản chất sự việc của bản án.
Viện KSND tối cao coi việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là tình tiết mới nên kháng nghị tái thẩm.
Còn việc khẳng định Chung có phạm tội hay không, ông Chấn có bị oan hay không phải chờ kết quả của hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Theo bà Yến, kháng nghị này chỉ là phần mở đầu cho một giai đoạn tố tụng mới. Do đó tất cả các vấn đề liên quan đến Luật bồi thường nhà nước, ai làm sai xử lý thế nào thì việc đó còn ở phía sau.
Giờ phút ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) trở về đoàn tụ với gia đình - Ảnh: X.Long |
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Yến cho biết từ năm 2005 Viện KSND tối cao đã nhận được đơn kêu oan của ông Chấn.
Vào thời điểm này, Viện KSND tối cao đã cử cán bộ trực tiếp đi xác minh theo quy trình. Tuy nhiên, thời điểm này bản án phúc thẩm tiếp tục bị hủy để xem xét lại phần bồi thường dân sự của ông Chấn nên hồ sơ quay lại cấp sơ thẩm để xem xét phần trách nhiệm dân sự.
Tháng 3-2005 mới có bản án quyết định về việc bồi thường có hiệu lực pháp luật đối với ông Chấn. Năm 2006 đến nay, ông Chấn có một số đơn kêu oan từ trong trại nhưng những đơn này không gửi đến Viện KSND tối cao, TAND tối cao là cơ quan xem xét các thủ tục đặc biệt theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Do đó đến khi Cục Điều tra nhận được đơn và vào cuộc điều tra, Vụ 3 mới tham mưu cho lãnh đạo Viện KSND tối cao có kháng nghị tái thẩm.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong vụ án này, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dư, phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết đã nhận được thông tin về trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn và Công an Bắc Giang đã yêu cầu xem xét trách nhiệm cán bộ liên quan.
Tuy nhiên, sự việc đang do các cơ quan tố tụng trung ương tiến hành nên Công an Bắc Giang đang xem xét kiểm điểm, chưa thể trả lời cụ thể.
* Ông Nguyễn Đức Biền (luật sư bào chữa chỉ định cho ông Nguyễn Thanh Chấn tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm năm 2004): Tôi đã thấy chứng cứ buộc tội lỏng lẻo “Được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn từ phiên tòa sơ thẩm, sau khi đọc hồ sơ và tham gia thẩm vấn tại phiên tòa, tôi thấy chứng cứ buộc tội ông Chấn quá lỏng lẻo, không thuyết phục. Tôi nhớ rõ vụ án thế này: cáo trạng thể hiện hôm ấy ông Nguyễn Thanh Chấn đi múc nước, trên đường về thì nảy sinh ý định sàm sỡ chị H., nhưng chị không đồng ý. Lúc đó ông Chấn nảy sinh ý định giết chị H. để bịt đầu mối. Sau khi đâm chị H., ông Chấn về nhà và mang chuôi dao đi vứt. Đọc hồ sơ tôi thấy có mấy chứng cứ buộc tội ông Chấn đều lỏng lẻo. Tại phiên tòa, tôi đã bày tỏ quan điểm với từng chứng cứ một: thứ nhất là chứng cứ về thời gian. Thời gian ông Chấn đi múc nước đều mang tính chất là áng chừng, không chính xác và không thuyết phục. Chứng cứ thứ hai cơ quan điều tra buộc bị cáo mô tả đồ vật trong nhà bị hại thì bị cáo làm rất thành thục, tôi đã nêu rõ vì nhà bị cáo và bị hại rất gần nhau, ngày nào cũng sang nhà nhau chơi thì mô tả đồ vật trong nhà không có gì là khó. Chứng cứ thứ ba là vết bàn chân để lại hiện trường vừa với chân của ông Chấn cũng không thuyết phục. Quan trọng nhất ông Chấn có chứng cứ ngoại phạm là khi vụ án xảy ra, ông Chấn đang gọi điện thoại, bưu điện có in danh sách cuộc gọi này. Lúc tranh tụng với viện kiểm sát, tôi bày tỏ quan điểm lời khai của bị cáo phải phù hợp với chứng cứ và phải có viện dẫn cụ thể nhưng viện kiểm sát phản bác và giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo tội giết người. T.L. - X.L. - M.Q. ghi |
___________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận