Rằng người nhạc sĩ tài hoa ấy đã viết lên bao khúc tự tình của dân tộc mình trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên.
Đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, cùng nhiều quan khách, gia đình nhạc sĩ Văn Cao, giới văn nghệ sĩ, những người ái mộ và hàng trăm khán giả đã tham dự đêm nhạc cả ở trong khán phòng Nhà hát lớn lẫn quảng trường Cách mạng Tháng Tám phía trước nhà hát này.
Thiên tài Văn Cao
Đêm nhạc quy tụ nhiều giọng hát hàng đầu hiện nay như Quang Thọ, Quốc Hưng, Đăng Dương, Tùng Dương, Mỹ Linh, Hà Trần, Lan Anh... cùng dàn hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời, hàng trăm diễn viên quần chúng.
Đáng chú ý, đêm nhạc cuối cùng không có Ánh Tuyết - người từng được coi là hát nhạc Văn Cao hay nhất.
Tái hiện khoảnh khắc bài Quốc ca thuộc về nhân dân tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám diễn ra chiều 17-8-1945 - Video: T.ĐIỂU
Những bài hát hay của Văn Cao ở cả ba thể loại tình ca, hành khúc và trường ca như: Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Ca ngợi Hồ chủ tịch, Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam… được nhiều nghệ sĩ trình diễn xuất sắc.
Cũng có những nghệ sĩ trình diễn được cho là chưa phù hợp với âm nhạc của Văn Cao.
Tuy thế, nhìn chung các ca sĩ đều nỗ lực hết mình để tôn vinh âm nhạc của người nhạc sĩ mà chính Phạm Duy từng đánh giá là thiên tài.
Điều đáng nói, đêm nhạc đưa đến nhiều giọng hát mới với âm nhạc Văn Cao nhưng kết quả lại khá mỹ mãn.
Không kể những ca sĩ nhạc thính phòng, cách mạng như Quang Thọ, Quốc Hưng, Đăng Dương, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi… hát nhạc Văn Cao rất phù hợp, đặc biệt là ở thể loại hành khúc, trường ca, thì những ca sĩ như Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương lại ghi dấu ấn ở những bản tình ca.
Tùng Dương trình diễn nhiều bài hát, trong đó bài Trương Chi trở nên đầy thân phận, rất khắc khoải.
Nghe đủ cả tình ca, hành khúc, trường ca của Văn Cao, nhiều khán giả không khỏi xúc động trước sự kỳ vĩ trong âm nhạc Văn Cao và ngưỡng mộ tài năng đặc biệt của người nhạc sĩ đầy thân phận này.
Xúc động giây phút "bài Quốc ca thuộc về nhân dân"
Ngoài phần âm nhạc được chăm chút kỹ, thiết kế sân khấu đẹp và trang trọng dù giản dị, đêm nhạc còn để lại nhiều xúc động, những khoảnh khắc khó quên cho khán giả bởi dàn dựng sân khấu tuyệt vời của đạo diễn Phạm Hoàng Nam.
Đặc biệt ấn tượng và xúc động là màn đại cảnh cuối chương trình kết hợp giữa sân khấu bên trong nhà hát và sân khấu bên ngoài quảng trường trước cửa nhà hát.
Bên trong các ca sĩ hát, còn bên ngoài quảng trường là dàn kèn và hàng trăm diễn viên tái hiện đúng cảnh "trùng trùng quân đi như sóng/ lớp lớp đoàn quân kéo về" trong bài hát đầy tính tiên tri Tiến về Hà Nội Văn Cao đã viết trước ngày 10-10-1954 mấy năm.
Xúc động hơn nữa là cảnh tái hiện khoảnh khắc "bài Quốc ca thuộc về nhân dân" trong buổi mít tinh chiều 17-8-1945 ở chính quảng trường này, khi các nghệ sĩ cùng hòa giọng bài Tiến quân ca với khán giả đứng xem đầy đường.
Trước đó, khán giả bên trong nhà hát đã dành những tràng pháo tay dài khen ngợi món quà bất ngờ mà đạo diễn Phạm Hoàng Nam mang đến, đó là đại cảnh "ngày mùa" gặt lúa phơi thóc trên sân khấu và những thôn nữ áo tứ thân, khăn mỏ quạ "gánh lúa về từng lớp lớp gánh về" đi lại liên tục hai bên lối đi dưới khán phòng nhà hát.
Xúc động, tuyệt vời, rất xứng đáng với tầm vóc, tài năng và cả thân phận của Văn Cao… là những từ mà khán giả được trực tiếp xem đêm nhạc đã thốt lên khi chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau đêm diễn.
Bà Nga - con gái của nhạc sĩ Văn Cao - cho biết gia đình bà, đặc biệt là người mẹ hơn 90 tuổi - bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, rất xúc động chăm chú theo dõi toàn bộ đêm nhạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận