Sau chuyến bay gần bốn tiếng từ Hà Nội, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống Tokyo lúc khoảng 19h theo giờ địa phương.
Đón Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Haneda và khách sạn có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và phu nhân, lãnh đạo và các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và phu nhân, các cán bộ, nhân viên đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản
Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước dự kiến hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, phát biểu chính sách tại Quốc hội Nhật Bản.
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng sẽ gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa sở tại và thăm tỉnh Fukuoka.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tin tưởng chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Với chuyến thăm lần này, cả bốn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều đã trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản trong năm 2023.
Cụ thể vào tháng 3 năm nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Đến tháng 5, khi sang Nhật Bản dự thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm Thủ tướng Kishida Fumio.
Gần đây nhất là cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa vào tháng 9.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, chuyến thăm là sự khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài.
Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản phát huy điểm đồng về lợi ích vì sự phát triển của mỗi nước cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Củng cố trụ cột hợp tác kinh tế
Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 30 tỉ USD), đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, đối tác du lịch và đầu tư đứng thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, sâu rộng thời gian qua, ông Vũ cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lần này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương với đối tác Nhật Bản.
Hai nước sẽ tiếp tục xây dựng hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ hai nước thông qua tăng cường hợp tác đầu tư, ODA, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó giúp Việt Nam thực hiện ba đột phá chiến lược, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam mong muốn hai nước triển khai có hiệu quả chương trình ODA thế hệ mới, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thu hút vốn vay ODA của Nhật Bản trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực.
Chuyến thăm được kỳ vọng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận