04/03/2018 15:14 GMT+7

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói gì về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

TTXVN
TTXVN

Theo Chủ tịch nước, trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, sự trỗi dậy của châu Á được xem là một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói gì về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? - Ảnh 1.

Sáng 4-3, tại thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và nói chuyện với các học giả và sinh viên Ấn Độ - Ảnh: TTXVN

Sáng 4-3 (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện trước khoảng 300 chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các sinh viên Ấn Độ. 

Mở đầu bài nói chuyện, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã điểm lại những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện của thế giới trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, trong đó sự trỗi dậy của châu Á được xem là một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất. 

Nhiều sáng kiến mới từ khu vực năng động

Chủ tịch nước nêu rõ, chỉ trong vài thập niên, thế giới đã liên tục chứng kiến những kỳ tích mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... đã lập nên. Điều trùng hợp lý thú là trung tâm của các kỳ tích đó đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương... 

Thời gian qua, tại khu vực này đã xuất hiện hàng loạt ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác dài hạn mang tầm liên khu vực và toàn cầu. Đó là: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của ASEAN và 6 nước đối tác; chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ; sáng kiến liên kết "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc; chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Nhật Bản; tầm nhìn "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Mỹ và gần đây nhất là sự hình thành của Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương với sự tham gia của 11 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương… 

Nếu những ý tưởng, sáng kiến và chiến lược nêu trên trở thành hiện thực như tuyên bố của những người sáng lập, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành một không gian an ninh và phát triển mới: Không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Và sự kết nối ngày càng chặt chẽ hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ tạo dựng một động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xu hướng đưa thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương"

Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Các câu hỏi được đặt ra: Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương hay không? Khu vực này có thật sự trở thành tâm điểm kết nối các nguồn lực, hài hòa các lợi ích để tiếp tục phát triển năng động, bền vững hơn nữa hay không? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu quan điểm, khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế..., không một quốc gia, một dân tộc, một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau; khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt, ngăn cản hay bị chia rẽ; các nước cần kề vai, sát cánh xây dựng một không gian sinh tồn và phát triển chung với niềm tin Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước cùng phát triển thịnh vượng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói gì về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? - Ảnh 3.

Ngày 3-3, tại thủ đô New Dehli, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: TTXVN

Mỗi con người, mỗi quốc gia phải góp tay vào đổi thay

Dẫn lại câu nói của Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi: "Bạn phải chính là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này", Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, việc hiện thực hóa khát vọng trên phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và ý chí cùng quyết tâm hợp tác của các nước trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam và ASEAN.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ: Chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ "được xây dựng xoay quanh ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". 

Với chính sách này, Ấn Độ đang nỗ lực kết nối thực chất, hội nhập sâu hơn về kinh tế, chính trị và tăng cường giao lưu nhân dân với các nước ASEAN. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ quan điểm: "Rõ ràng, chỉ có thể dựa trên sự kết nối ngày càng chặt chẽ về hạ tầng, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…, Ấn Độ và ASEAN mới có thể tăng thêm sức mạnh, cùng phát huy vai trò, vị thế, góp phần tạo dựng một không gian phát triển chung cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển và ứng phó hiệu quả hơn với các biến động và thách thức từ bên ngoài".

Việt Nam là ưu tiên cao nhất trong nỗ lực tăng cường quan hệ của Ấn Độ với châu Á - Thái Bình Dương"

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Ấn Độ luôn là một trong những đối tác ưu tiên quan trọng nhất. Chủ tịch nước chia sẻ: "Chúng tôi vui mừng nhận thấy trong những năm qua, sự vươn lên của Ấn Độ luôn gắn liền với sự thịnh vượng, phồn vinh của châu Á. Con đường phát triển hòa bình của Ấn Độ luôn là nhân tố quan trọng mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định ở khu vực. Với tiềm lực và đóng góp của mình, Ấn Độ xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng ở khu vực, nhất quán ủng hộ Ấn Độ tham gia tích cực vào các cơ chế liên kết, hợp tác khu vực... Hai bên đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017 - 2020 với nhiều kết quả tích cực. 

Chia sẻ về cơ sở của khái niệm Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và sự lạc quan về tương lai của khu vực này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương có sự kết nối tự nhiên về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa từ nhiều thế kỷ. Tất cả các sáng kiến liên kết khu vực mà lãnh đạo các nước đưa ra gần đây, nếu được thực hiện đúng như tuyên bố, sẽ góp phần tạo ra một tương lai hòa bình, hợp tác và thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thời cơ và thuận lợi cơ bản để chúng ta cùng nỗ lực tạo dựng một không gian an ninh và phát triển mới: Không gian Ấn Độ Dương -  châu Á - Thái Bình Dương.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên