Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại Sư đoàn 317, huyện Hóc Môn - Ảnh: THẢO LÊ
Cùng đơn vị bầu cử này có bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Trần Đức Cường - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu phó Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thiếu tướng Phan Văn Xựng - chính ủy Bộ tư lệnh TP - vắng mặt do là F2 của một ca nhiễm COVID-19.
Làm chính sách phải từ hơi thở cuộc sống
Tại hội nghị, cử tri Trần Trung Nghĩa đặt câu hỏi trực tiếp với Chủ tịch nước về giải pháp đưa đất nước đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, năm 2030 đạt mức thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, TP.HCM hiện là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy nhiên, việc phát huy các nguồn lực và tiềm năng của TP.HCM chưa thực sự tốt.
Cử tri cũng mong muốn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV nếu trúng cử sẽ luôn gần gũi với cử tri, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để đề xuất, đưa ra những quyết sách phù hợp.
Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mong muốn giản dị của cử tri là người đại biểu luôn gần gũi với cử tri. Vì vậy, trước và sau các kỳ họp Quốc hội, đại biểu luôn có các cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe, giải trình ý kiến cử tri, từ đó đưa ra những chính sách sát sao với đời sống nhân dân.
"Làm chính sách phải từ hơi thở cuộc sống, chứ không phải là làm chính sách trong phòng lạnh, hay từ hội trường", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Về việc đưa đất nước đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để làm được, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân đều phải có khát vọng phát triển. Mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân đều phải có ước mơ xây dựng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, đất nước phải có nguồn nhân lực tốt và biết vận dụng nguồn nhân lực từ trong nhân dân, phát huy vai trò của tài năng trẻ. Cải cách chính sách, thể chế để người có khả năng có thể cống hiến cho đất nước; bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải vận dụng công nghệ cao trong phát triển, phát huy hiệu quả kinh tế số, chính quyền điện tử...
"Bây giờ mà nói con trâu đi trước cái cày theo sau thì không bao giờ thành công. Phải có nông nghiệp số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để phát triển", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Quân đội tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong 35 năm đổi mới, quân đội ta luôn giữ vững được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong niềm tin của nhân dân.
"Bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của chúng ta nhường nơi ở cho người từ nước ngoài về để cách ly, bao chiến sĩ dầm mưa dãi nắng ở biên giới để ngăn làn sóng xâm nhập trái phép", ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trả lời ý kiến cử tri - Ảnh: THẢO LÊ
Chủ tịch nước cho rằng có ba trụ cột để một quốc gia hùng mạnh là kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Trong đó, quân đội tạo nền tảng cho hai trụ cột còn lại phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm kỳ qua, đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hợp tác quốc tế, xuất siêu, kiềm chế lạm phát, vị trí của Việt Nam được nâng cao trong khu vực, trong đó có vai trò rất lớn của quân đội, công an, lực lượng vũ trang, đặc biệt ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ Việt Nam đang trong thời cơ phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có thách thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nguy cơ của dịch bệnh. Vai trò của quân đội là vô cùng quan trọng, nhất là tại địa bàn trọng điểm như TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận