Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân được tổ chức trọng thể tại sân bay Vnukovo - Ảnh: VIỄN SỰ
Chiều 29-11, ngay sau khi kết thúc tốt đẹp chương trình thăm chính thức Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Geneva, lên đường thăm chính thức Liên bang Nga.
Lúc 20h25 tối 29-11 giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Matxcơva, bắt đầu chuyến thăm Liên bang Nga từ ngày 29-11 đến 2-12. Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân được tổ chức trọng thể tại sân bay Vnukovo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Matxcơva, bắt đầu chuyến thăm Liên bang Nga
Theo chương trình, 16h chiều 30-11 giờ địa phương (20h ngày 30-11 giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc hội đàm và chiêu đãi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Cùng ngày, Chủ tịch nước sẽ thăm và gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán, các cơ quan thường trú Việt Nam tại Nga.
Trong thời gian thăm Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ có các cuộc gặp, hội kiến với: Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodi; Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin; Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko; Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga; gặp gỡ đại diện cộng đồng Việt Nam tại Nga. Đồng thời gặp nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn của Nga về y tế, dầu khí, tài chính...; chứng kiến lễ ký kết đường bay thẳng Việt Nam - Matxcơva của Vietjet.
Chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga năm 2020; 20 năm ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nga (2001 - 2021)…
Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân được tổ chức trọng thể tại sân bay Vnukovo - Ảnh: VIỄN SỰ
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam và Nga đã duy trì sự tin cậy chính trị thông qua hoạt động thăm chính thức song phương, tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ các hội nghị quốc tế và giữ liên lạc thường xuyên qua điện đàm, hội nghị trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga vẫn đạt 4,85 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2019. Kim ngạch thương mại nửa đầu năm 2021 đạt 2,6 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về hợp tác trong phòng chống COVID-19, hai nước duy trì phối hợp chặt chẽ trong ứng phó dịch bệnh, cung ứng và chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Hiện đã bắt đầu triển khai các hợp đồng cung cấp vắc xin Sputnik V của Nga cho Việt Nam và hợp tác sản xuất vắc xin Nga tại Việt Nam.
Thành phần đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thăm chính thức Nga gồm có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng...
Đội tiêu binh của quân đội Liên bang Nga đón Chủ tịch nước - Ảnh: VIỄN SỰ
Chủ tịch nước duyệt đội danh dự - Ảnh: VIỄN SỰ
Kiều bào Việt Nam tại Nga đón chào Chủ tịch nước và đoàn lãnh đạo cấp cao tại sân bay - Ảnh: VIỄN SỰ
Chủ tịch nước thăm trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh cùng nhóm sáng chế mũ Vihelm tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 29-11 - Ảnh: WIPO
Trước đó, ngày 29-11 giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Geneva và làm việc với Tổng giám đốc WIPO Daren Tang, một trong những hoạt động cuối cùng của Chủ tịch nước trong chuyến thăm Thụy Sĩ.
Chủ tịch nước đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Luật sở hữu trí tuệ, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ năng lực khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế, đóng góp vào sự phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để các cán bộ Việt Nam được tham gia các khóa đào tạo, thực tập và cơ hội làm việc tại WIPO.
Nhất trí với các đề xuất hợp tác của WIPO, Chủ tịch nước đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy, nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khẳng định Việt Nam sẵn sàng là đầu mối hợp tác của WIPO trong khu vực. Chủ tịch nước mong WIPO quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam xây dựng được bộ chỉ số đo lường hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận