18/11/2022 13:48 GMT+7

Chủ tịch nước nêu quan điểm về ‘cân bằng’ trong hợp tác tại APEC

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sáng 18-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yếu tố "cân bằng" trong hợp tác, vì châu Á - Thái Bình Dương cần cách tiếp cận cân bằng và toàn diện hơn.

Chủ tịch nước nêu quan điểm về ‘cân bằng’ trong hợp tác tại APEC - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC sáng 18-11 - Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước nhận định thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc và mang tính lịch sử, và bản thân APEC cũng đối mặt những thách thức chưa từng có.

Việc giải quyết các thách thức này, xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và phát triển ổn định trong khi đó là trách nhiệm chung, đòi hỏi các nền kinh tế APEC phải cùng nỗ lực, bất kể quy mô kinh tế lớn, nhỏ hay trình độ phát triển khác biệt.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch nước, các thành viên APEC "cần vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, phối hợp hành động vì lợi ích chung của cộng đồng…".

Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng" của APEC năm nay. Ông cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn phát triển mới đòi hỏi cách tiếp cận cân bằng hơn và toàn diện hơn.

Chủ tịch nước nêu quan điểm về ‘cân bằng’ trong hợp tác tại APEC - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao APEC sáng 18-11 - Ảnh: TTXVN

Từ thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số yếu tố "cân bằng" trong hợp tác:

Thứ nhất, xem người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội; và cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực.

"Mục tiêu là chung, nhưng các biện pháp cụ thể phải được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của mỗi nơi", Chủ tịch nước nói.

Thứ hai, cân bằng giữa đảm bảo tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế.

Đây là cách để vừa phát huy nội lực, phát huy lợi thế so sánh vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan tỏa giữa các vùng các miền.

Thứ ba, cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Theo Chủ tịch nước, quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng đồng thời phải giảm thiểu xáo trộn an sinh xã hội, đảm bảo yêu cầu về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, và an ninh mạng.

Khai mạc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 29

Sáng 18-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit (Bangkok, Thái Lan), Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 chính thức khai mạc. Sự kiện này có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao và trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị và các hoạt động liên quan. Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo APEC sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Với chủ đề "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng", hội nghị thảo luận ba định hướng ưu tiên của hợp tác APEC gồm: cởi mở với tất cả các cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi phương diện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng hơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng hơn

TTO - Chiều 17-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chỉ đạo cuộc gặp gỡ doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - Thái Lan tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên