Trải qua chặng đường lịch sử, Vovinam đã có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, phủ khắp 5 châu. Trong đó, số lượng võ sinh tập luyện trên thế giới đã hơn 1 triệu người.
Tại lễ kỷ niệm có sự hiện diện của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Võ Việt vươn mình ra thế giới
Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng lập một môn võ Việt từ võ vật dân tộc dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển với tên gọi Vovinam.
Đến chưởng môn Lê Sáng, ông cùng các võ sư tìm tòi nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện. Điều đó đã xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt này phát triển.
Kế thừa những thành quả đó, cố võ sư chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu cùng các võ sư đã đưa Vovinam lan tỏa đến bạn bè quốc tế khắp 5 châu.
Năm 2008, Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) được thành lập đã tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu. Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi… Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng.
Sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp vắng mặt, Vovinam đã trở lại ở SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia sắp tới.
Tháng 6 tới, Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) sẽ hoàn tất hồ sơ đăng ký công nhận Vovinam là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng điều vui hơn là Giải Vovinam vô địch thế giới 2023 sẽ quay trở lại với Việt Nam vào tháng 11 sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2009.
Đại hội WVVF nhiệm kỳ mới được tổ chức trong thời gian này sẽ điều chỉnh lại toàn bộ tài liệu hoạt động, điều lệ, các văn bản hoạt động của các ủy ban theo chuẩn Olympic nhằm có thể đưa võ Việt vào Olympic.
Bảo đảm sự ra đời của Học viện Vovinam toàn cầu
Trước lễ kỷ niệm, Đại hội đại biểu VVF nhiệm kỳ IV (2023 - 2028) đã được tổ chức với sự tham dự của 67 đại biểu từ các ban ngành, tỉnh, thành khắp cả nước. Doanh nhân Mai Hữu Tín (chủ tịch U&I Group) đã tái đắc cử vị trí chủ tịch VVF.
Trong số các mục tiêu mà nhiệm kỳ mới VVF hướng đến, xây dựng Học viện Vovinam toàn cầu là quan trọng nhất nhằm giúp cho tất cả môn sinh trên toàn thế giới có thể về đây tập luyện, dâng hương, tưởng niệm các thầy. Học viện sẽ được xây dựng tại TP.HCM với chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Mai Hữu Tín chia sẻ: "Gia đình tôi đã thành lập quỹ từ thiện xã hội nhiều năm nay, cam kết dành phần lớn lợi nhuận trong kinh doanh cho quỹ, trong đó có phần bảo trợ cho Vovinam. Tôi xin phép chia sẻ điều này ở thời điểm hôm nay, để chứng minh rằng Liên đoàn Vovinam có đủ nguồn lực để triển khai Học viện Vovinam toàn cầu tại TP.HCM".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận