26/05/2022 19:06 GMT+7

Chủ tịch nước: Để đoàn thanh tra tự do giao lưu với doanh nghiệp sẽ không đảm bảo tính độc lập

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quản lý đoàn thanh tra lỏng lẻo, để đoàn tự do giao lưu với doanh nghiệp sẽ không bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra và khó phát hiện tiêu cực, sai phạm.

Chủ tịch nước: Để đoàn thanh tra tự do giao lưu với doanh nghiệp sẽ không đảm bảo tính độc lập - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận chiều 26-5 - Ảnh: H.P

Chiều 26-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật thanh tra (sửa đổi). 

Phát biểu tại tổ TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, giao quyền lớn cho địa phương. Nhiều tài sản, đất đai... của Nhà nước được giao cho địa phương quản lý nên cần có bộ máy thanh tra, giúp cho công tác quản lý nhà nước. 

Chủ tịch nước đồng tình với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, bao gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện, và thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ.

Riêng thanh tra ở các sở, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tính toán lại, nếu tổ chức thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phải tính toán cụ thể, để bảo đảm bộ máy thanh tra vừa gọn nhẹ nhưng có hiệu quả, tránh tình trạng thanh tra nhiều nhưng không phát hiện được tiêu cực.

Ở góc độ khác, Chủ tịch nước nhìn nhận vai trò của đoàn thanh tra rất quan trọng. Nếu không có quy chế quản lý chặt, để đoàn thanh tra dễ dàng tiếp xúc, giao lưu với đối tượng thanh tra, sẽ khó phát hiện ra tiêu cực, sai phạm. Do đó, quản lý đoàn thanh tra là vấn đề rất lớn, rất quan trọng và phải tăng cường.

"Quyết định của trưởng đoàn thanh tra rất quan trọng, thay mặt Nhà nước kết luận trước khi tổng thanh tra, chánh thanh tra trình Thủ tướng, thường trực UBND. Nếu việc quản lý đoàn thanh tra lỏng lẻo, để họ tự do giao lưu sẽ không bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra. Do đó phải có quy định quản lý chặt đoàn thanh tra hơn trong quá trình thanh tra một vụ việc được giao", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước: Để đoàn thanh tra tự do giao lưu với doanh nghiệp sẽ không đảm bảo tính độc lập - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Ngọc Hải phát biểu thảo luận - Ảnh: H.P

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết ở nhiều nước, cơ quan thanh tra đóng vai trò kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và đôn đốc việc chấp hành các quy định của các cơ quan được thanh tra.

Các doanh nghiệp ở các nước xem lực lượng thanh tra là "ân nhân", khi thanh tra sẽ giúp doanh nghiệp biết được các hạn chế, lỗ hổng và cả vi phạm để kịp thời khắc phục. 

Ông Nghĩa đề nghị trong các hành vi bị nghiêm cấm cần bổ sung quy định cấm cơ quan thanh tra yêu cầu vượt quá mức cần thiết. Mặt khác, cần quy định rõ trong luật việc cơ quan thanh tra cần xác định cụ thể lĩnh vực, khía cạnh thanh tra để thông báo rõ cho doanh nghiệp, chứ không phải thanh tra toàn diện gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Luật cũng cần quy định đoàn thanh tra phải có chỗ ngồi riêng, không ngồi ở cơ sở doanh nghiệp, và đoàn thanh tra cũng không được ăn uống, giao lưu gì với đơn vị đang bị thanh tra", ông Nghĩa đề nghị.

Đại biểu Dương Ngọc Hải - chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM - cho hay hiện nay có 3 cơ quan thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất, đó là thanh tra nhà nước, ủy ban kiểm tra và cơ quan giám sát HĐND, MTTQ, đoàn thể.

Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ mới quy định việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, mà chưa có quy định về cơ chế phối hợp với ủy ban kiểm tra và cơ quan giám sát HĐND, MTTQ, đoàn thể.

Ông Hải đề nghị cần quy định rõ cơ chế phối hợp, đồng thời làm rõ, bổ sung thêm các cơ quan phối hợp cùng cơ quan thanh tra để thực hiện được nguyên tắc của công tác thanh tra là chống chồng chéo, trùng lắp. Nếu không sẽ trùng lắp đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát. 

Tránh xu hướng thanh tra luôn kết luận là chuyển cơ quan điều tra

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho rằng cần quy định cụ thể việc cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm để tránh xu hướng thanh tra luôn luôn kết luận là chuyển cơ quan điều tra.

"Chúng ta đang hạn chế việc hình sự hóa các vi phạm về dân sự, hành chính mà cái gì cũng chuyển cơ quan điều tra hết là không ổn. Cái này phải đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra và các trưởng đoàn thanh tra", ông Quang nêu ý kiến.

Sửa Luật thanh tra: Nên hay không bỏ thanh tra cấp huyện? Sửa Luật thanh tra: Nên hay không bỏ thanh tra cấp huyện?

TTO - Sáng 26-5, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự án Luật thanh tra (sửa đổi).

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên