Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho hay công tác cảnh vệ đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Do vậy, các lực lượng triển khai công tác này đã trưởng thành rất nhiều và đảm bảo an toàn khi thực hiện công tác này.
Công tác cảnh vệ có nhiều khó khăn
“Công tác cảnh vệ được chúng tôi xác định là không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân” - Chủ tịch nước cho rằng thực tiễn trên yêu cầu cần phải hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các nội dung của luật nhằm tạo hành lang pháp lý, cũng như nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác cảnh vệ.
Cũng theo Chủ tịch nước, trong công tác cảnh vệ, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo, đối tượng được cảnh vệ là yêu cầu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, công tác này còn có ý nghĩa về lễ tân nhà nước, đó là nghi thức quốc gia. Tức là công tác cảnh vệ không chỉ bảo vệ thông thường, mà còn là thể hiện thể diện quốc gia, đáp ứng cho yêu cầu của đối ngoại.
Đặc biệt đặt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng đón nhiều đoàn nguyên thủ nước ngoài, yêu cầu công tác cảnh vệ càng khó khăn.
Bởi theo Chủ tịch nước, nguyên tắc chung của các đoàn khách quốc tế là phải chấp hành theo quy định pháp luật của nước sở tại. Có những yêu cầu đặt ra các bên phải đàm phán.
Vì vậy theo Chủ tịch nước, việc đảm bảo công việc này rất khó khăn, anh em trong lực lượng làm việc trong điều kiện phải hoạt động suốt ngày đêm, phải thức mà không được ngủ…
Đặc biệt khi các đồng chí lãnh đạo rất muốn hòa nhập với nhân dân, hòa hợp với quần chúng, tiếp xúc với nhân dân nhưng nếu xảy ra chuyện sẽ rất nguy hiểm.
Trong điều kiện khó khăn như vậy song theo đánh giá của Chủ tịch nước, công tác cảnh vệ đã đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua. “Chúng ta cũng rất tự hào, mọi việc triển khai làm rất tốt, gần như là không có những sự cố” - ông Tô Lâm nói.
Lãnh đạo các nước đến Việt Nam tự do đi ăn phở, ra công viên vì rất an toàn
Đặc biệt, đi những địa bàn khó khăn, mặc dù đối diện với nhiều thử thách nhưng anh em đã “trưởng thành lên nhiều”, đáp ứng được yêu cầu của các nước. Vì vậy, các nước đánh giá rất cao lực lượng cảnh vệ của chúng ta.
“Vừa rồi đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia, họ dành rất nhiều tình cảm. Tôi nhớ có tổng thống khi về rồi, lên đến nửa cầu thang thì tự nhiên lại đi xuống, không biết là có chuyện gì, hóa ra là quên chưa chụp ảnh với anh em cảnh vệ, xuống chụp ảnh động viên anh em” - Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, người ta rất cảm phục vì đảm bảo được sự an toàn. Nhiều lãnh đạo các nước khi đến Việt Nam được tự do đi ăn phở, đi ăn bún, đi ra công viên, ăn bánh mì, đi ra bờ hồ, đi cà phê vì rất an toàn. Việc cảm nhận được sự an toàn nên các nguyên thủ khi ở Việt Nam mới đi trải nghiệm. Nhờ đó đã góp phần giúp Việt Nam nâng cao được vị thế.
Cần quản lý dao có tính sát thương
Tiếp tục nhắc đến một xã hội an toàn, không có súng và vũ khí khi cho ý kiến Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ, Chủ tịch nước cho biết nhiều lãnh đạo, khách du lịch đến Việt Nam đều cảm thấy yên tâm, mà không bị đe dọa, khủng bố.
Tuy nhiên, có thực trạng hiện nay là tỉ lệ các vụ việc đâm chém đều chủ yếu dùng dao, trong khi chưa có những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó. Bởi có những trường hợp sử dụng dao đã gây thiệt mạng hàng chục người, nên cần phải có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
"Bây giờ dao sát thương lớn lắm. Kể cả dao Thái Lan, dao ăn... cũng có thể làm chết người được. Dù là để phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhưng không thể để thành yếu tố đe dọa, ảnh hưởng đến trật tự chung và phải có nề nếp để quản lý" - Chủ tịch nước nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận