Từ sáng sớm, dù trời đổ mưa khá to, hàng trăm học sinh và thầy cô giáo đã có mặt tại trường với nhiều trang phục truyền thống, rực rỡ chào đón đoàn Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước yêu cầu chăm lo cho giáo dục vùng sâu
Ông Võ Thành Nguyên - hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Gia Lai - vui mừng cho biết thực hiện chính sách giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số, năm 1992 trường thành lập với 173 học sinh thì đến nay có khoảng 400 học sinh các dân tộc thiểu số của tỉnh.
"Rất vinh dự vì trong lịch sử hình thành 30 năm, có Chủ tịch nước đến dự, động viên tại lễ khai giảng. Đây là niềm động viên rất lớn cho thầy, trò nhà trường cũng như của địa phương", ông Nguyên xúc động.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định phát triển giáo dục nói chung và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn, là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, địa phương quan tâm phát triển giáo dục, đặc biệt cho học sinh dân tộc thiểu số. Chăm lo phát triển các trường nội trú, bán trú và cơ sở vật chất cho các trường ở vùng sâu để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.
"Hôm qua tôi có viết một lá thư cho thầy cô giáo, cho các em học sinh trong cả nước. Lá thư không chỉ là của Chủ tịch nước mà còn là tình cảm của tôi đối với thầy cô giáo, các em học sinh.
Tình cảm đó xuất phát từ việc như các em tôi từng đi học, từng đứng trên bục giảng và làm quản lý giáo dục một thời gian dài. Đó là sự thấu hiểu, chia sẻ với thầy cô giáo và các em học sinh", ông nói.
Chủ tịch nước nhắc lại việc thành lập các trường dân tộc nội trú nói riêng và giáo dục cho con em dân tộc thiểu số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vậy nên nếu thực hiện việc giáo dục cho con em dân tộc thiểu số là đã căn bản thực hiện được các mục tiêu thoát khỏi đói nghèo.
"Đó là cơ hội để các em vươn lên thoát nghèo, làm chủ bản thân, vận mệnh của mình. Đối với địa phương, việc làm tốt giáo dục đào tạo là đảm bảo an ninh - chính trị địa phương. Làm tốt giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số là chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế", ông khẳng định.
Thầy cô có nhiệm vụ khơi gợi tính sáng tạo ở mỗi học sinh
Về đào tạo học sinh vùng khó, Chủ tịch nước căn dặn vì xuất phát điểm của các em học sinh ở đây khác với các tỉnh, thành phố đồng bằng nên đề nghị thầy cô giáo với chương trình chung phải có phương pháp với từng trường, từng lớp và còn có thể từng em. Mỗi em học sinh là một cá tính riêng nên nhiệm vụ của thầy cô là cầu nối, khơi gợi tính sáng tạo của mỗi em.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm tạo ra môi trường vừa học, vừa hành, tạo ra không gian học tập, lao động sản xuất vì các em học sinh học nội trú. "Qua đó giáo dục các em về việc học, lao động để các em phát triển toàn diện về nhân cách, kiến thức", Chủ tịch nước gợi ý.
Theo Chủ tịch nước, bên cạnh làm tốt việc dạy và học, nhà trường, địa phương phải quan tâm chính sách đối với giáo dục dân tộc thiểu số. Bởi dẫu đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vậy nên chúng ta phải tận dụng, chắt chiu mọi nguồn lực để đảm bảo cuộc sống vật chất của thầy cô, học sinh.
"Mong các em coi Trường phổ thông Dân tộc nội trú này là ngôi nhà của mình. Các em phải trân quý thầy cô giáo, nhân viên trong trường cho mình một khoảng thời gian đáng nhớ. Mong các em hãy luôn tự hào về ngôi trường của mình và mai này thầy cô, nhà trường sẽ tự hào về các em.
Tiếp nối truyền thống các đàn anh, chị trước mình, các em hãy sớm trở thành những công dân tốt ở địa phương. Tôi mong các em sớm thành tài, trong đó sẽ có những bạn sẽ là thầy cô giáo để truyền dạy phẩm chất, kỹ năng, kiến thức và giá trị của mình cho thế hệ tiếp nối", ông mong mỏi.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng nhà trường bức tranh Quốc Tử Giám, 100 triệu đồng gây quỹ cho trường và 10 suất học bổng cho những em học sinh vượt khó học giỏi.
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Kim Sơn - bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai và tặng gần 19.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh. Số sách này thuộc chương trình Cùng tiếp bước em tới trường năm học 2023-2024 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận