
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 9-4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được: Nhìn tổng quan, toàn diện để định ra kịch bản vượt khó
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, Giám đốc Sở Tài chính TP Lê Thị Huỳnh Mai và Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ cùng chủ trì hội thảo.
Phát biểu mở đầu, ông Được chia sẻ chính sách thuế mới của Mỹ vừa công bố tạo ra cú sốc lớn cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Được, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, cho nên chính sách thuế này chắc chắn ảnh hưởng và phần nào tác động làm thay đổi, đảo lộn những dự định phát triển của TP trong năm 2025.
Việc áp mức thuế cao khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ tăng cao, giảm tính cạnh tranh. Ngược lại hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam cũng tăng cao. Tác động này càng lớn trong giai đoạn Việt Nam đang gia tăng việc nhập các mặt hàng công nghệ, giá trị cao từ Mỹ.
Chủ tịch UBND TP nhìn nhận chính sách thuế mới này chắc chắn tác động rất lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% được Chính phủ giao cho TP.HCM trong năm 2025.
Tuy nhiên, ông muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế, đại diện các hiệp hội ngành nghề về quy mô tác động đến đâu, tác động sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng của TP.
Từ những ý kiến này, TP.HCM ghi nhận và đề ra những kịch bản đối ứng với tình hình mới này.
"Chúng ta có thể thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những động thái lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời. Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Trump, đề xuất đưa mức thuế về 0%.
Tuy nhiên việc đàm phán sẽ còn khó khăn, chưa có kịch bản như thế nào. Từ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, hiệp hội ngành nghề... sẽ cho TP.HCM góc nhìn tổng quan, toàn diện để định ra kịch bản TP phát triển, chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức", ông Được nhấn mạnh.
3 kịch bản tăng trưởng của TP.HCM

TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - phát biểu đề dẫn - Ảnh: HỮU HẠNH
Phát biểu đề dẫn sau đó, TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nêu ra 3 kịch bản về mức thuế Mỹ sẽ áp với Việt Nam sau khi đàm phán. Theo đó, kịch bản 1 mức thuế vẫn giữ nguyên 46%, đây là kịch bản bi quan nhất.
Kịch bản 2 Việt Nam đàm phán giảm mức thuế xuống một phần bằng 20 - 30% và kịch bản cuối cùng sẽ đạt được mức đàm phán xuống 10 - 15%.
Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2025 tương ứng các kịch bản mức thuế suất đối ứng Mỹ áp dụng với Việt Nam (xem sơ đồ).

Kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2025 tương ứng các kịch bản mức thuế suất đối ứng Mỹ áp dụng với Việt Nam - Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
Các kịch bản được xây dựng với giả định yếu tố trong điều kiện TP.HCM chủ động và tăng tốc nội lực thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 620.000 tỉ đồng và tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4%.
Đồng thời viện cũng đưa ra 7 giải pháp để các nhà khoa học, chuyên gia cho ý kiến. Trong đó về giải pháp xuất - nhập khẩu, viện đề xuất có sự đàm phán để thống nhất được "gói giải pháp song phương" nhằm hạ nhiệt căng thẳng, mục tiêu đưa mức thuế trung bình sau đàm phán kỳ vọng.
Tăng cường kiểm soát "gian lận xuất xứ" mà trọng tâm là siết chặt hàng chuyển tải từ các nước thứ ba qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, qua đó giúp tăng lượng hàng nhập khẩu công nghệ cao từ Hoa Kỳ một cách gián tiếp, đóng góp chung vào giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế cũng như vượt qua rào cản liên quan đến xuất khẩu công nghệ cao trực tiếp từ Hoa Kỳ.
Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thi. Tăng xuất khẩu sang khu vực Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các quốc gia có mức trao đổi thương mại tăng trưởng ổn định liên tục hằng năm với Việt Nam như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan.
Đồng thời phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN - RCEP - CPTPP; mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada, mở kênh xuất khẩu gián tiếp qua Mỹ và tận dụng các FTA mà Việt Nam có với các quốc gia Trung Đông (CEPA, VIFTA) để mở rộng giao thương đến thị trường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận