19/07/2019 11:17 GMT+7

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: 'Chuyển đổi công nghệ xử lý rác quá chậm'

TIẾN LONG - MAI HƯƠNG
TIẾN LONG - MAI HƯƠNG

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc chuyển đổi, xây các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ mới trên địa bàn TP.HCM còn rất chậm, người dân bức xúc vì mùi hôi.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác quá chậm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: TỰ TRUNG

Sở Tài nguyên - môi trường không quyết liệt

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ và yêu cầu giám đốc sở Tài nguyên - môi trường giải trình tại kỳ họp về kinh tế, văn hóa, xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm 2019, tổ chức sáng 19-7.

Ông Phong cho biết ông vừa được lãnh đạo một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ rất phấn khởi khi tỉnh này xây dựng được một nhà máy xử lý rác công nghệ mới, người dân ở đó rất hài lòng. 

Còn tại TP.HCM kêu gọi đầu tư nhưng đến nay đã 2 năm nhưng chưa có nhà máy rác công nghệ mới. Mùi hôi từ các bãi rác lan ra thải khiến người dân rất bức xúc. 

“Riêng việc này tôi thấy Sở Tài nguyên - môi trường không quyết liệt gì cả. Đáng lẽ sở phải ra đầu bài cho các nhà đầu tư hiện nay, nếu họ không chuyển đổi công nghệ thì phải đình chỉ chứ!”- ông Phong quyết liệt. 

Từ thực tế này, ông Phong yêu cầu giám đốc Sở Tài Nguyên - môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng giải trình tại sao tới giờ này TP.HCM vẫn chưa có được nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác quá chậm - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại kỳ họp sáng 19-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường cam kế tiến độ thực hiện

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở đang thực hiện một số giải pháp để thực hiện lộ trình giảm tỉ lệ rác chôn lấp trên địa bàn TP.HCM chỉ còn dưới 50% vào cuối năm 2020 theo nghị quyết HĐND TP.

Theo đó, hiện nay TP có 3 nhà máy có công suất xử lý trên 8.000 tấn rác/ngày, trong đó khoảng 5.000 tấn chôn lấp hợp vệ sinh. Mặt khác, dự kiến quý 4-2019 sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện với công suất mỗi nhà máy 3.000 tấn/ngày. 

Hai nhà máy này trước đây sử dụng công nghệ đốt nhưng không phát điện hoặc làm phân nhưng tỉ lệ tro xỉ bỏ ra lớn nên phải chuyển đổi sang đốt phát điện. 

Cách làm là xây dựng nhà máy công nghệ mới bên cạnh nhà máy xử lý cũ. Sau khi hoàn thành sẽ chuyển đổi hoàn toàn việc xử lý rác sang nhà máy mới. Nếu hai nhà máy đi vào vận hành sẽ chuyển được 6.000 tấn rác/ngày sang xử lý đốt. Như vậy lộ trình trong nghị quyết HĐND đặt ra sẽ đạt được.

"Hiện hai nhà máy này đang làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng để triển khai dự án. Sở cũng đã ra đầu bài và yêu cầu đến cuối năm 2020 phải đưa vào vận hành hai nhà máy này. Nếu không chuyển đổi công nghệ buộc phải dừng một phần hợp đồng đã ký trước đây với các nhà máy", ông Thắng nói.

Ngoài ra, có nhà máy xử lý chất thải Việt Nam công suất 5.000 tấn rác/ngày, chủ yếu là chôn. Hiện sở đã làm việc và nhà máy đồng ý thực hiện lộ trình chuyển đổi 2.000 tấn rác sang đốt có thu khí gas. Tất cả đều có lộ trình, nhà máy phải thực hiện.

Ông Thắng cũng cho biết từ 5-8 đến 5-9 sẽ đấu thầu rộng rãi. Căn cứ quy định pháp luật, hướng dẫn của bộ rút ngắn thời gian. Dự kiến đến quý 2-2020 sẽ khởi công nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày. 

Nghe ông Thắng giải trình xong, ông Phong kết luận: "Anh Thắng hôm nay không phải báo cáo cho tôi mà là báo cáo với hội nghị như một lời cam kết về tiến độ thực hiện”. 

TIẾN LONG - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên