Bà Grace Mạnh, vợ ông Mạnh Hoàng Vĩ, xoay lưng lại trước các phóng viên trong cuộc họp báo tại Lyon ngày 7-10. Bà cho biết mình làm vậy vì lo sợ cho sự an toàn bản thân - Ảnh: AFP
Thông báo của Interpol công bố tối chủ nhật (7-10) cho biết đã nhận được đơn từ chức của ông Mạnh, song không giải thích rõ lý do từ chức.
Những tin nhắn cuối cùng
Cho tới giờ, mới chỉ có xác nhận chính thức của Ủy ban kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc, tên chính thức là Ủy ban giám sát nhà nước (NSC), về việc ông Mạnh Hoàng Vĩ, nguyên , thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đang bị bắt giữ để phục vụ điều tra tại Trung Quốc.
Cùng với đó là thông tin Bộ Công an Trung Quốc phát đi ngày 8-10 cho biết ông Mạnh bị điều tra vì tội nhận hối lộ. Còn thông tin về nơi cư trú cũng như tình trạng ông này hiện ra sao vẫn hoàn toàn bí mật.
Trong thông báo phát đi tối 7-10 trên trang web của NSC, thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc "bị nghi ngờ đã vi phạm pháp luật và hiện đang bị giám sát và điều tra", song các vi phạm của ông Mạnh không được nêu cụ thể.
Thông báo lúc nửa đêm của NSC cũng không đề cập chuyện ông Mạnh có bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng nào không, một cách nói quen thuộc mà cơ quan này thường dùng.
Ngày 7-10, theo Hãng tin AFP, lần đầu tiên bà Grace Mạnh, vợ ông Mạnh Hoàng Vĩ, đã xuất hiện trước báo giới tại thành phố Lyon (Pháp), nơi đặt trụ sở Interpol, chia sẻ thêm các thông tin về chồng bà.
Theo bà Mạnh, trước khi mất tích ngày 25-9 (trước đó báo chí quốc tế đưa là 29-9) trong chuyến công tác về quê nhà ở Trung Quốc, ông Mạnh có gửi cho bà một biểu tượng (emoji) hình con dao có lưỡi cắm xuống mà bà cho là thông điệp ngầm để bà biết ông đang gặp nguy hiểm.
Kể từ sau ngày 25-9, bà Mạnh không còn liên lạc được với chồng. Bình thường vợ chồng bà vẫn liên lạc hằng ngày mỗi khi ông Mạnh công tác xa nhà.
Báo Guardian (Anh) cho biết chính quyền Trung Quốc chính thức xác nhận việc đang tạm giữ ông Mạnh không lâu sau khi bà Mạnh có cuộc họp báo tại Lyon. Tổng thư ký Interpol, ông Jürgen Stock, cho biết đã gửi yêu cầu tới chính quyền Bắc Kinh, đề nghị có phản hồi chính thức làm rõ sự việc liên quan sự mất tích của ông Mạnh. Pháp cũng đã mở cuộc điều tra.
Tại cuộc họp báo, bà Mạnh đọc các thông tin cung cấp của mình bằng tiếng Anh và tiếng Trung trong tư thế xoay lưng lại với báo chí, không cho phép họ trông thấy mặt và cũng từ chối việc được chụp hình. Bà nói không muốn lộ diện vì sự an toàn của bản thân và hai con.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, vợ con ông Mạnh Hoàng Vĩ đã được cảnh sát Pháp bảo vệ sau khi họ nhận được những lời đe dọa trên mạng xã hội và qua điện thoại.
Không phải án thông thường?
Giới chuyên gia phân tích cho rằng sự kiện ông Mạnh đột ngột biến mất rồi sau đó có xác nhận từ chính quyền Bắc Kinh là ông bị bắt giữ điều tra tại Trung Quốc được cho là sẽ gây tổn hại đối với các nỗ lực của quốc gia này trong việc thiết lập các thỏa thuận hợp tác với nước khác về những vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật.
Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến cơ hội để quan chức cấp cao của Trung Quốc được bổ nhiệm sau này vào các vị trí cấp cao trong nhiều tổ chức toàn cầu.
Báo South China Morning Post (Hong Kong) dẫn nhận định của nhà bình luận chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh cho rằng chắc chắn chính quyền Trung Quốc hiểu rất rõ những nguy cơ đó trước khi hành động.
"Tôi chắc là họ đã lường được phản ứng đặc biệt từ cộng đồng quốc tế trước khi ra quyết định" - ông Zhang Lifan nói.
"Tôi đoán chắc chắn phải có gì đó khẩn cấp. Đó là lý do vì sao chính quyền chọn cách hành động ngay lập tức này, bất kể nguy cơ có thể bị mất mặt với cộng đồng thế giới. Nếu vụ việc ông Mạnh dính líu không có gì ngoài một vụ án tham nhũng thông thường, nhà chức trách sẽ không cần phải giải quyết vấn đề theo cách đó" - chuyên gia này tiếp tục phân tích.
Chuyên gia Hugh Schofield của Đài BBC (Anh) cho rằng việc cơ quan chống tham nhũng của Bắc Kinh phát thông báo xác nhận chuyện bắt giữ ông Mạnh đã cho thấy ông này bị bắt vì liên quan tới chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, mức độ liên đới ra sao thì chưa rõ.
Ông Mạnh Hoàng Vĩ, 64 tuổi, thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp hình sự, đặc biệt trong lĩnh vực trấn áp tội phạm ma túy, chống khủng bố, kiểm soát nhập cư, biên giới và hợp tác quốc tế trước khi đắc cử chủ tịch Interpol tháng 11-2016. Ông Mạnh được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc vào năm 2004, dưới thời của bộ trưởng Chu Vĩnh Khang, người đang lãnh án chung thân vì tham nhũng.
Ông Kim Jong Yang, phó chủ tịch Interpol, người Hàn Quốc, sẽ là quyền chủ tịch thay ông Mạnh trong khi chờ bầu chủ tịch mới đảm nhiệm nốt nhiệm kỳ còn lại tới năm 2020 tại kỳ họp của Interpol ở Dubai, UAE vào cuối tháng 11 tới.
"Chắc chắn rất nghiêm trọng"
South China Morning Post dẫn ý kiến của ông Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trường SOAS Đại học London (Anh), cho hay căn cứ vào vị trí cấp cao ông Mạnh nắm giữ, quyết định bắt ông để điều tra phải được ban hành từ các cấp quyền lực cao nhất của Chính phủ Trung Quốc. Chuyên gia này cũng nhận định các rắc rối của ông Mạnh chắc chắn rất nghiêm trọng và ông ấy sẽ còn là "khách của Chính phủ Trung Quốc" trong một thời gian dài nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận