Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ về dự thảo những nội dung sửa đổi của nghị định 99/2019/NĐ-CP thực thi Luật giáo dục đại học. Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, tám nội dung được điều chỉnh đều liên quan tới vấn đề nhân sự trong thực thi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Lộc, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho biết dự thảo sửa đổi nhằm đồng bộ với một số văn bản pháp luật hiện hành.
Cơ quan quản lý bổ nhiệm hiệu trưởng
Dự thảo xác định rõ cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập là cơ quan quản lý trực tiếp. Trước đó, nghị định hướng dẫn chưa quy định rõ thẩm quyền này thuộc hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp.
Cơ quan quản lý trực tiếp cũng quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp trường đại học mới được thành lập, trường khuyết hiệu trưởng quá sáu tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp. Việc này sẽ duy trì cho tới khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.
Dự thảo cũng quy định cụ thể thành phần tập thể lãnh đạo của một cơ sở đại học gồm ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.
Tập thể lãnh đạo này làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.
Hội đồng trường không nên nổi bật hơn hiệu trưởng
Theo quy định, chủ tịch hội đồng đại diện cho tổ chức thể hiện quyền lực tập thể, quyết định những vấn đề khung, chiến lược phát triển của cơ sở đại học. Trong khi đó hiệu trưởng là người thực thi.
Tuy vậy, lãnh đạo bộ cũng cho biết thực tế thời gian qua có những nơi hội đồng trường làm tốt vai trò của mình, có nơi còn chưa phát huy được.
Một số trường vai trò của hội đồng trường bị nhìn nhận là mờ nhạt, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bất ổn trong nội bộ trường (thiếu hụt nhân sự, mâu thuẫn). Đây là giai đoạn quá độ, cần có rút kinh nghiệm, điều chỉnh để làm tốt và đúng yêu cầu hơn.
Bày tỏ quan điểm của mình, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng với vai trò khác nhau, hội đồng trường không nên "nổi bật" so với hiệu trưởng vì hội đồng trường làm việc trên nguyên tắc tập thể, quyết định những vấn đề lớn. Hội đồng trường sẽ không can thiệp sâu, cụ thể vào công việc điều hành của hiệu trưởng.
"Về nguyên tắc, hội đồng trường có quyền lực cao hơn nhưng đó là quyền lực tập thể. Không nên đặt ra sự so sánh về quyền lực của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng, vì vai trò khác nhau, có phân cấp rõ ràng để giám sát lẫn nhau, tránh lạm quyền" - ông Sơn nói.
Dự thảo cũng điều chỉnh một số quy định như giảm tỉ lệ phần trăm tổng số viên chức, người lao động của trường đại học tham dự hội nghị đại biểu bầu thành viên hội đồng trường từ trên 50% xuống tối thiểu 20%.
Dự thảo cũng điều chỉnh các quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường và thành viên hội đồng trường, bổ sung quy định về thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường...
Phát huy quyền tự chủ
Trong dự thảo sửa đổi nghị định hướng dẫn, Bộ GD-ĐT cũng đưa vào quy định thành viên ngoài trường đại học chiếm tỉ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp.
Để bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo nghị định quy định số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận