Nội dung trên được nêu tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM với UBND TP về thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP chiều 11-10.
Vi phạm xây dựng không phép có dấu hiệu tăng
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP từng bước được cải thiện, có chuyển biến tích cực.
Sau 5 năm thực hiện chỉ thị số 23, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn là 3.085 công trình (thống kê từ tháng 6-2019 đến tháng 6-2024), bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành (8,5 vụ/ngày).
Tuy nhiên, so sánh số liệu vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua thì số liệu vi phạm không phép có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân chủ yếu do các quy định của luật và nghị định liên quan khi áp dụng thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hay việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội chậm dẫn đến người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được xây dựng.
Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ cũng đã tạo ra bất cập, vướng mắc trong triển khai công tác quy hoạch và xây dựng.
Thời gian tới sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cho phép UBND các cấp được yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn ngừng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm trật tự xây dựng không chấp hành yêu cầu dừng thi công hoặc biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình mà vẫn tiếp tục thi công.
Cùng đó hoàn thiện tổ chức bộ máy của lực lượng thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Cần giải pháp chế tài mạnh với các dự án chậm thu hồi đất
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng qua thực tế kiểm tra trên địa bàn TP xảy ra nhiều vấn đề phức tạp về trật tự xây dựng, số lượng vi phạm tăng rất cao, nhất là thời điểm trước 2019.
Thành ủy TP đã ban hành chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tình hình về trật tự xây dựng đã từng bước ổn định hơn.
Là trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình như nhà ở riêng lẻ, các dự án, công trình xây dựng khác trên địa bàn rất lớn.
Do đó công tác quản lý nhà nước về xây dựng phải được quan tâm thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo sự ổn định và phát triển của TP.
Bà Lệ đánh giá cao nỗ lực của UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức đã tập trung phấn đấu với các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại chỉ thị 23. Tuy nhiên phải thẳng thắn rằng dù có nỗ lực nhưng thực tế vẫn còn sai phạm diễn ra.
Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP tập trung khẩn trương, rà soát, cập nhật và ban hành quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân.
Chính việc chuyển mục đích chậm, khó khăn là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Ngoài ra, phải có giải pháp để chế tài mạnh với các dự án chậm thu hồi đất và sử dụng theo pháp luật để phục vụ nhu cầu chính đáng về nhà ở của người dân, tránh lãng phí.
Số trường hợp chấp hành xử lý vi phạm hành chính về xây dựng không cao
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, số trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng là 1.418 với tổng số tiền xử phạt khoảng 34 tỉ 600 triệu đồng. Trong đó số tiền xử phạt thu được khoảng 25 tỉ 400 triệu đồng, đạt tỉ lệ 73,3%.
Có thể thấy số trường hợp chấp hành xử lý vi phạm hành chính không cao bởi thực tế công tác xử lý vi phạm hành chính ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Với công trình vi phạm bị xử phạt theo pháp luật đất đai, số trường hợp bị xử phạt là 1.256 trường hợp.
Qua công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử lý vi phạm hành chính đối với 27 tổ chức có hành vi vi phạm quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận